Tránh lây nhiễm Covid-19 là ưu tiên hàng đầu của phụ nữ mang thai. Nhưng nếu không may nhiễm phải loại virus này thì bà bầu cần thận trọng khi xông hơi.
Theo BS.CKI Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Sản – Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM: “So với người bình thường, hệ thống miễn dịch của phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương hơn nếu nhiễm phải virus đường hô hấp. Nếu phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19, dễ chuyển biến nặng hơn so với phụ nữ không mang thai, tăng nguy cơ cao phải thở máy, chạy ECMO, dùng kháng sinh liều cao… thậm chí có thể đe dọa tính mạng; thai nhi có nguy cơ sinh non, nguy cơ lây nhiễm…, rất tốn kém chi phí điều trị…”.
Điều đó có nghĩa là các bà mẹ tương lai cần chủ động tuân thủ các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình trước SARS-CoV-2. Bên cạnh việc chích vắc xin ngừa Covid-19, mẹ bầu cần thực hiện quy tắc 5K, duy trì lối sống khoa học và có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng.
Bà bầu mắc Covid-19 cần thận trọng khi xông hơi. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, nếu chẳng may bị nhiễm Covid-19 dù đã thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, thai phụ không nên hoảng sợ mà cần tuân thủ điều trị Covid-19 theo đúng phác đồ bác sĩ chỉ định, tránh lạm dụng xông mũi họng quá nhiều sẽ gây ra nhiều tác hại.
Theo bác sĩ Nguyễn Công Định- Giám đốc Trung tâm điều trị thai phụ mắc Covid-19 – Cơ sở 2 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, từ xưa, xông lá hay thảo dược là bài thuốc điều trị cảm cúm, đau đầu, ngạt mũi. Mọi người dễ dàng tìm kiếm nguyên liệu từ chanh, sả, gừng, tỏi, lá bạc hà,… để tiêu đờm, giải độc, thông mũi họng. Tuy nhiên, đối với Covid-19, xông chỉ làm giảm triệu chứng chứ không có tác dụng diệt virus. Xông lá làm giãn mạch, đem lại cảm giác nhẹ nhõm nhưng không phải phương pháp bắt buộc.
Mẹ bầu khi xông hơi, nhiệt độ cơ thể tăng cao, không cẩn thận cũng có nguy cơ bị bỏng, ảnh hưởng đến thai nhi. Một số người xông bị chóng mặt, ngạt thở và làm giảm huyết áp bởi áp lực của hơi nóng. Thảo dược để xông cũng có thể gây dị ứng với cơ địa thai phụ mẫn cảm, cần cân nhắc để đảm bảo an toàn.
Do đó, mẹ bầu bị cảm cúm lâu ngày, thay vì chọn xông hơi thì có thể uống nước nóng, dùng tinh dầu, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C, ngủ đủ giấc, sử dụng nước muối sinh lý hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để sớm bình phục.
Nếu muốn xông hơi, bạn chỉ nên thực hiện trong 10-15 phút, 1-2 tuần một lần. Không nên xông hơi quá lâu, gây ngột ngạt. Nên tắm sau khi xông ít nhất 6 tiếng. Không xông hơi khi cơ thể đang yếu và ngay khi vừa sử dụng đồ có cồn như rượu bia. Không xông khi vừa ăn no hoặc đang trong lúc đói.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/ba-bau-can-than-trong-khi-xong-hoi-neu-mac-covid-19-d197980.html