Theo nghiên cứu mới đây của Mỹ, ăn nhiều thịt đỏ và đường có thể là nguyên nhân khiến số ca ung thư đại tràng tăng nhanh ở những người dưới 50 tuổi.
Công trình do Cleveland Clinic thực hiện, công bố vào tháng 6 tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ. Nghiên cứu gồm 170 bệnh nhân ung thư ruột (còn gọi đại trực tràng), 66 người trong đó khởi phát khi còn trẻ (dưới 50 tuổi). Các nhà khoa học đã kiểm tra các chất chuyển hóa, được tạo ra trong cơ thể sau khi thức ăn bị phân hủy. Họ phát hiện người dưới 50 tuổi bị ung thư đại tràng có lượng citrate thấp hơn so với những người lớn tuổi. Citrate là một hợp chất sản sinh khi cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Chất này có thể ức chế sự phát triển khối u và bệnh ung thư đại tràng nói chung.
Theo các nhà khoa học, cơ thể người trẻ tuổi phân hủy protein và carbohydrate theo cách khác biệt. Lượng thịt đỏ (thịt bò, lợn, cừu…) và đường hấp thụ hàng ngày có liên quan đến tình trạng này. “Cách chúng ta sử dụng carbohydrate để tạo năng lượng, cách chúng ta dùng protein và axit amin từ chế độ ăn uống có mối quan hệ chặt chẽ với bệnh ung thư”, tiến sĩ Suneel Kamath, bác sĩ chuyên khoa ung thư đường tiêu hóa tại Cleveland Clinic, cho biết. Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ ba ở Mỹ, là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ ba ở cả nam và nữ. Hiệp hội Ung thư Mỹ ước tính, khoảng 153.000 ca ung thư đại trực tràng sẽ được phát hiện trong năm nay, trong đó có 19.500 ca dưới 50 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm 50-54 tuổi là 60 người trên 100.000 dân. Trong khi đó, con số này trong giai đoạn 1975-1979 là 40 người. Triệu chứng bệnh bao gồm chán ăn, đầy bụng, táo bón, đi ngoài có máu, dễ bị nhầm lẫn với trĩ, hội chứng ruột kích thích và các vấn đề tiêu hóa thông thường.
Thịt đỏ có thể gây ung thư đại trực tràng. Ảnh minh họa
Một nghiên cứu khác gần đây cũng đã liên kết thịt đỏ và đường với tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Các tác giả xem xét thói quen ăn uống của hơn 95.000 y tá. Kết quả cho thấy, những phụ nữ trưởng thành dùng đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao gấp đôi những phụ nữ không uống hoặc rất ít. Nghiên cứu năm 2021 cũng chỉ ra rằng tiêu thụ quá nhiều đường cũng làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển ung thư. Các nhà khoa học phát hiện phụ nữ trưởng thành uống hai loại đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng cao gấp đôi so với người uống ít hơn một loại mỗi tuần.
Đánh giá khác trên Tạp chí Dịch tễ học châu Âu cho thấy tiêu thụ nhiều thịt đỏ gây nhiều bệnh ung thư khác nhau như ung thư trực tràng, vú và phổi. Sau khi phân tích 9 công trình về ung thư, Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới (IARC) chỉ ra rằng tiêu thụ 100 g thịt đỏ mỗi ngày tăng 17% nguy cơ ung thư. Trong khi đó, cứ ăn 50 g thịt chế biến sẵn (thịt xông khói, xúc xích…) mỗi ngày làm tăng 18% nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng. Mỹ không phải quốc gia duy nhất ghi nhận thực trạng đáng báo động. Đánh giá năm 2023 cho thấy tỷ lệ ung thư đại trực tràng khởi phát sớm ở Australia là 13,5 trên 100.000 người, Na Uy là 10,5 trên 100.000 người, Anh là 9,3 trên 100.000 người. Nhiều người bị chẩn đoán nhầm với các bệnh như trĩ, hội chứng ruột kích thích, thiếu máu, vấn đề sức khỏe tâm thần.
Hiệp hội Ung thư Mỹ khuyến nghị chế độ ăn nhiều trái cây, rau và chất xơ có thể giảm thiểu nguy cơ ung thư đại trực tràng. Đại học Loma Linda đưa ra các chế độ ăn uống dựa trên thực vật gồm: thuần chay, tức hoàn toàn không ăn sản phẩm có nguồn gốc động vật; ăn chay lacto-ovo gồm sữa và trứng nhưng không có thịt; ăn pesco vegetarian gồm thực vật, cá nhưng không có thịt; bán phần gồm nhiều thực phẩm từ thực vật, không thường xuyên ăn thịt và cá. Mặt khác, chế độ ăn Địa Trung Hải (nhiều trái cây, rau củ, đậu, chất béo lành mạnh, ngũ cốc; ít thịt đỏ, hải sản và sữa) cũng có thể giúp ngăn ngừa ung thư đại trực tràng.
Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/an-nhieu-thit-do-va-duong-lam-gia-tang-so-ca-mac-ung-thu-dai-truc-trang-o-nguoi-duoi-50-tuoi-d211599.html