Hà Nội đang bước vào mùa Hè nắng nóng, với dự báo nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm, kéo theo nguy cơ ô nhiễm không khí chuyển đổi hình thái. Ngoài bụi mịn PM2.5, khí ozone ở tầng thấp gia tăng dưới tác động của nắng nóng có nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân.
Mùa Hè tại Hà Nội thường đi kèm với nền nhiệt cao và hiện tượng nắng nóng gay gắt. Mặc dù mùa Đông được nhận định thường có mức độ ô nhiễm cao hơn do hiện tượng nghịch nhiệt, nhưng mùa Hè cũng không kém phần đáng lo ngại. Nhiệt độ cao có thể thúc đẩy các phản ứng hóa học trong không khí, dẫn đến sự hình thành các chất ô nhiễm thứ cấp như ozone tầng mặt đất, gây hại cho sức khỏe con người. Ozone tầng mặt đất khác với ozone ở tầng bình lưu – vốn bảo vệ Trái đất khỏi tia cực tím. Nó hình thành khi ánh sáng mặt trời tương tác với khí thải, như oxit nitơ từ xe cộ, sản xuất công nghiệp…
Bên cạnh ozone, các loại bụi mịn – đặc biệt là PM2.5 – cũng không có dấu hiệu thuyên giảm vào mùa Hè. Trái lại, hoạt động giao thông gia tăng, cộng với sự phát triển mạnh của các công trình xây dựng, nhà máy và tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch ở ngoại thành khiến hàm lượng bụi mịn tiếp tục ở mức cao.
Mặc dù Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động, nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, nhưng việc kiểm soát các nguồn thải trong mùa Hè vẫn là một thách thức lớn. Việc đốt rơm rạ vẫn diễn ra phổ biến ở các huyện ngoại thành, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng không khí toàn vùng. Các tuyến đường trọng điểm nội đô thường xuyên xảy ra ùn tắc, khiến khí thải từ hàng trăm nghìn phương tiện giao thông tiếp tục là “gánh nặng” cho bầu không khí vốn đã ngột ngạt.
Anh Trần Minh Tuấn – một tài xế xe ôm tại quận Nam Từ Liêm cho biết: “Làm việc ngoài đường cả ngày, tôi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và khó thở, đặc biệt vào những ngày nắng nóng. Tôi phải đeo khẩu trang, nhưng vẫn lo lắng về sức khỏe lâu dài”. Những chia sẻ như của anh Tuấn cho thấy, ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân.
Hà Nội lại ô nhiễm mù mịt trong sáng nay. (Ảnh minh hoạ).
Theo các chuyên gia, trước những mối nguy hại từ ô nhiễm không khí trong mùa nắng nóng sắp tới gần, người dân cần chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như những người thân trong gia đình. Giải pháp hiệu quả và dễ làm nhất là hạn chế ra ngoài đường vào các giờ cao điểm ô nhiễm. Các chuyên gia khuyến cáo, vào mùa Hè, buổi trưa hoặc chiều là thời điểm nhạy cảm với sức khỏe con người bởi nền nhiệt cao sẽ cộng hưởng với bụi mịn trong không khí khiến nguy cơ gây hại cho sức khỏe tăng lên gấp bội. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài đường vào thời điểm này, mọi người cần có những biện pháp bảo vệ cho cơ thể và hệ hô hấp như mặc quần áo chống nắng, đội mũ có khả năng ngăn chặn tia cực tím, đeo khẩu trang lọc PM2.5…
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam từng nhiều lần nhấn mạnh, Hà Nội đang trong một cuộc khủng hoảng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đòi hỏi tất cả quyết liệt hơn nữa trong cuộc chiến chống “giặc ô nhiễm không khí”. Các bài học trên thế giới đã chứng minh càng để chậm thì vấn đề càng trầm trọng, giá phải trả càng cao.
Các kiểm kê nguồn thải được thực hiện tại Hà Nội cho thấy, ô nhiễm không khí xuất phát từ 4 nhóm nguyên nhân chính gồm giao thông, xây dựng, hoạt động sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ. Trong đó, giao thông và bụi đường được đánh giá là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất.
Các chuyên gia đề xuất nhiều giải pháp giảm thiểu các nguồn ô nhiễm không khí như kiểm soát các nguồn thải công nghiệp lớn của Hà Nội và các địa phương lân cận, áp dụng chặt chẽ các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng, hạn chế các hoạt động đốt mở như đốt rác, đốt rơm rạ. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ nguồn thải từ giao thông.
Các chuyên gia đề xuất áp dụng một số giải pháp kiểm soát ô nhiễm từ nguồn giao thông rất thành công của các thành phố khác trên thế giới như thúc đẩy giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, đẩy mạnh giao thông xanh, áp dụng hạn chế số lượng xe xăng đăng ký mới.
Thanh Hiền (t/h)
https://vietq.vn/cac-chuyen-gia-de-xuat-giai-phap-giam-o-nhiem-khong-khi-mua-nang-nong-d232531.html