19 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngWHO báo động tình trạng uống rượu ở độ tuổi cấp 2...

    WHO báo động tình trạng uống rượu ở độ tuổi cấp 2 tiềm ẩn nguy cơ dài hạn về sức khỏe

    Date:

    Related stories

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo trước những nguy cơ dài hạn về sức khỏe khi tỷ lệ uống rượu ở độ tuổi thanh thiếu niên từ 11 đến 15 tuổi đang ở mức đáng báo động.

    Dựa trên dữ liệu khảo sát 280.000 thanh thiếu niên các độ tuổi 11, 13 và 15 (tại Việt Nam là độ tuổi cấp hai) ở châu Âu, Trung Á và Canada, WHO ghi nhận “bức tranh đầy quan ngại” về thói quen uống rượu, hút thuốc ở các nhóm tuổi này ở 53 nước.

    “Những hậu quả về dài hạn của các xu hướng trên là đáng kể, và các nhà hoạch định chính sách không thể phớt lờ những phát hiện báo động đó”, AFP dẫn lời WHO.

    Báo cáo phát hiện 57% trong số thanh thiếu niên 15 tuổi uống rượu ít nhất 1 lần, và con số này ở nữ sinh là 59% so với 56% ở nam sinh. WHO lưu ý về tổng thể, tỷ lệ nam sinh uống rượu giảm đi, trong khi số liệu phản ánh sự gia tăng ở nữ sinh.

    Về trạng thái uống rượu hiện tại, tức từng uống ít nhất 1 lần trong 30 ngày gần đây nhất, có đến 8% trong số nam sinh độ tuổi 11 thừa nhận, còn ở nữ sinh là 5%. Tuy nhiên ở độ tuổi 15, nữ sinh “qua mặt” nam sinh, với 38% số nữ sinh thừa nhận đã say xỉn ít nhất 1 lần trong vòng 30 ngày vào thời điểm tham gia khảo sát. Con số này ở nam sinh là 36%. Tỷ lệ thanh thiếu niên say xỉn đáng kể, tức ít nhất 2 lần say xỉn, là 9%, trong khi tỷ lệ này ở nhóm tuổi 13 là 5% và tăng lên 20% ở độ tuổi 15.

    Báo động tình trạng trẻ vị thành niên uống rượu bia, hút thuốc lá điện tử gây ra không ít hệ lụy. Ảnh minh họa

    Tại Việt Nam, theo Bộ Nội vụ, ngày càng có nhiều thanh niên Việt Nam uống rượi bia, có 38,3% dân số trên 15 tuổi sử dụng rượu bia, cứ 2 người đàn ông thì có 1 người uống rượu. Tỷ lệ người nghiện rượu nặng là 1,4% trong tổng dân số trên 15 tuổi.

    Mặc dù tại Việt Nam tuổi uống rượu hợp pháp của thanh niên là 18, nhưng có đến 34% thanh thiếu niên từ 14 – 17 tuổi từng uống rượu bia, và con số này ở thanh niên từ 18 – 21 tuổi, là 57%. Tình trạng sử dụng rượu bia, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông cũng như bệnh tật khác, đặc biệt trong nhóm nam thanh niên trẻ.

    Trước thực trạng này Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế. Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, đang chú ý, cơ quan này đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm. Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định sắc thuế này đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%, rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65%.

    Theo đánh giá của cơ quan quản lý, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia còn thấp chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội. Theo đó, trong dự thảo mới này, đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia, Bộ Tài chính đề xuất phương án 2 là áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần qua các năm và lên 100% vào 2030. Với rượu dưới 20 độ, Bộ đề xuất chịu thuế 50% từ năm 2026 sau đó tăng lên cao nhất 70% vào năm 2023.

    Với đề xuất này, Bộ Tài Chính cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn (bia, rượu) sẽ làm tăng giá bán, góp phần hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này, từ đó hạn chế tác hại của việc uống rượu, bia nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

    Theo đó, giá bán bia, rượu năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.

    “Việc định hướng, hạn chế tiêu dùng các sản phẩm rượu, bia góp phần kiểm soát được yếu tố nguy cơ gây bệnh do nguyên nhân từ rượu, bia, sẽ làm giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong nên giảm áp lực lên hệ thống y tế, giảm quá tải bệnh viện”, Bộ Tài chính lý giải.

    Quy định về kinh doanh rượu

    Căn cứ vào Khoản 1 Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

    Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban Nhân dân cấp xã.

    Quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm thì rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

    Rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.

    Thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định của Luật an toàn thực phẩm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác liên quan.

    Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại. Rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.

    Các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu: Không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu. Cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu. Trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động. Quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/who-bao-dong-tinh-trang-uong-ruou-hut-thuoc-la-dien-tu-do-tuoi-cap-2-d222840.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img