Theo nghiên cứu của Mỹ, tập thể dục là một thói quen tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, luyện tập ở thời tiết nắng nóng sau đó uống đồ uống chứa đường sẽ gây hại cho thận.
Uống nước đúng cách rất quan trọng đối với bất cứ ai khi tập luyện thể thao. Ngược lại, bổ sung nước sai cách có thể gây rối loạn hệ thần kinh, giảm natri máu,… và dẫn tới những nguy hiểm khó lường.
Nhiều người cho rằng bù nước khi trời nắng nóng dễ thực hiện, uống nước gì cũng được, miễn là chất lỏng. Tuy nhiên, điều này không hẳn đúng. Một số nghiên cứu quy mô tin cậy gần đây cho thấy nguy cơ mắc bệnh thận tăng lên khi uống đồ uống có đường trong khi tập thể dục hay vận động mạnh trong thời tiết nóng.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Buffalo, New York, Mỹ, đã nghiên cứu những người trưởng thành khỏe mạnh trong môi trường phòng thí nghiệm, mô phỏng làm việc trên một trang trại nông nghiệp trong điều kiện thời tiết trên 35 độ C.
Những người tham gia đã hoàn thành bài tập kéo dài một giờ, bao gồm 30 phút trên máy chạy bộ, sau đó là các hoạt động nâng tạ, kéo và đập búa tạ. Tiếp theo, 15 phút cuối cùng là thời gian nghỉ ngơi, trong đó, những người tham gia uống nước hoặc khoảng 454 ml (gần nửa lít) đồ uống chứa caffein có hàm lượng đường fructose cao.
Không nên uống nước chứa đường sau tập luyện ở thời tiết nắng nóng. Ảnh minh họa
Sau giờ nghỉ giải lao, những người tham gia hoàn thành chu kỳ ba lần nữa trong tối đa 4 giờ. Khi các chu kỳ vận động được hoàn thành, những người tham gia nhận được một loại đồ uống được chỉ định cuối cùng. Nghiên cứu tiến hành đo nhiệt độ, huyết áp, nhịp tim, trọng lượng cơ thể và các dấu hiệu tổn thương thận của những người tham gia đều được đo trước và sau mỗi thử nghiệm.
Một kết quả quan trọng được phát hiện. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nồng độ chất creatin trong máu cao hơn, cùng với tốc độ lọc cầu thận thấp hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy có tình trạng tổn thương thận ở nhóm người uống nước có đường.
Creatin đóng vai trò quan trọng cho việc sinh ra nguồn năng lượng cho các cơ hoạt động, creatin bị thoái giảm trong các cơ sẽ tạo thành creatinin và được lọc qua cầu thận.
Đặc biệt, những thay đổi tạm thời chức năng thận vừa nêu trên không xảy ra ở những người tham gia uống nước. Về mặt cơ chế, cho thấy nồng độ chất vasopressin – một loại hormone chống lợi tiểu góp phần gây ra huyết áp cao – được phát hiện là cao hơn ở những người tiêu thụ đồ uống có đường. Ngoài ra, nhóm người tiêu dùng nước giải khát cũng bị mất nước nhẹ.
Các nhà nghiên cứu đi đến kết luận: “Việc uống nước ngọt trong và sau khi tập thể dục dưới trời nóng không giúp bù nước. Do đó, tiêu thụ nước ngọt như một loại đồ uống bù nước trong khi tập thể dục dưới trời nóng có thể không phải là lý tưởng. Công việc tiếp theo sẽ cần phải phân biệt những tác động lâu dài của việc tiêu thụ nước ngọt trong khi tập thể dục dưới trời nóng và mối liên hệ của nó với nguy cơ”.
Liên quan tới việc uống nước sau tập luyện, theo các bác sĩ tại Bệnh viện Mellatec, cơ thể sẽ hấp thu nước mát nhanh hơn so với nước ấm, khiến cơ thể cảm thấy sảng khoái và khỏe khoắn hơn, vì thế rất nhiều người thích uống nước mát sau khi tập luyện.
Tuy nhiên không nên uống nước đá lạnh. Khi vừa tập luyện xong, cơ thể thường nóng lên. Uống nước đá lạnh trong thời điểm này có thể dẫn đến “sốc” hệ tiêu hóa. Thực tế, nhiều người bị đau dạ dày nhiều hơn vì uống nước đá khi vừa hoàn thành bài tập.
Nên sử dụng nước có chứa chất điện giải. Ngoài nước lọc cũng có thể bổ sung cho cơ thể một số loại nước có chứa chất điện giải như nước ép trái cây, nước oresol,… Trong trường hợp lựa chọn một số loại nước giải khát, cần đảm bảo loại nước đó không có chứa quá nhiều đường.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/dung-do-uong-chua-duong-sau-khi-tap-luyen-mua-nong-co-the-gay-ton-thuong-than-d211439.html