Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng thì việc kiến tạo không gian sống xanh được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm nâng cao sức khỏe, gia tăng chất lượng sống và tuổi thọ.
Ngập tràn cây xanh làm tăng tuổi thọ
Các nhà khoa học tại Trường Sức khỏe Công cộng Harvard T.H. Chan và Bệnh viện Nữ giới đã công bố nghiên cứu chỉ ra rằng, một cuộc sống ngập tràn cây xanh sẽ làm tăng tuổi thọ, tăng khả năng tương tác với xã hội cũng như các hoạt động thể chất và làm sạch không khí.
Sau khi tiến hành nghiên cứu sức khỏe 108.630 phụ nữ, các nhà nghiên cứu nhận thấy, phụ nữ sống trong môi trường xung quanh có cây xanh có tỷ lệ tử vong thấp hơn 12% so với những người sống trong các khu vực ít cây xanh nhất.
Đặc biệt, phụ nữ sống ở khu vực có thảm thực vật tỷ lệ tử vong thấp hơn 34% liên quan đến đường hô hấp và tỷ lệ tử vong thấp hơn 13% liên quan đến ung thư, so với những người có ít thảm thực vật xung quanh nơi sinh sống.
Những loại thực vật này có khả năng loại bỏ các chất gây ô nhiễm trong không khí, giúp cho môi trường trong lành hơn (ảnh: Tienphong)
Vậy sự kết hợp giữa cây xanh và tỷ lệ tử vong là gì? Phụ nữ sống trong môi trường thiên nhiên xanh không phải trải qua những ảnh hưởng sức khỏe tiêu cực do ô nhiễm không khí, tiếng ồn và nhiệt độ khắc nghiệt, đồng thời có nhiều cơ hội cho hoạt động thể chất và tương tác xã hội, do đó mức độ căng thẳng thấp hơn.
Trong thực tế, cải thiện sức khỏe tâm thần của bệnh trầm cảm tăng đến 30% nhờ lợi ích từ việc sống cạnh thiên nhiên, các tác giả của nghiên cứu cho biết. Nếu bạn đang ở trong một thành phố và không phải lúc nào cũng có thời gian ra công viên hay vườn bách thảo, hãy trồng cây xanh trong nhà. Những loại cây tốt cho sức khỏe có thể kể đến lan ý, dương xỉ, cây đa lá tròn, sen đá, xương rồng…
Lựa chọn xanh
Một số việc đơn giản mà bạn có thể làm để giúp ngôi nhà của mình “xanh hơn” như sử dụng nội thất gỗ tự nhiên, chuyển sang dùng đèn LED, lựa chọn “sơn xanh”, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, nước…
Ưu tiên nội thất gỗ tự nhiên: Nội thất làm từ vật liệu tự nhiên như gỗ là lựa chọn bền chắc và an toàn hơn so với vật liệu nhân tạo như nhựa. Nên lựa chọn sản phẩm gỗ từ nguồn hợp pháp, được khai thác bền vững và hoàn thiện với công nghệ xử lý bề mặt (phủ verneer, dầu bóng, sơn…) có sự quan tâm tới môi trường. Điều đó vừa đảm bảo sức khỏe cho các thành viên sống trong nhà, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Hãy áp dụng tiêu chí này đối với cả nội thất bán sẵn và nội thất đặt đóng theo thiết kế.
Dùng đèn LED thay bóng đèn sợi đốt và đèn compact: Thay vì sử dụng bóng đèn sợi đốt tỏa ra lượng nhiệt và phát thải CO2 lớn, hãy chuyển sang đèn LED tiết kiệm năng lượng. Mặc dù bóng đèn huỳnh quang compact giúp tiết kiệm điện năng đáng kể, nhưng chúng vẫn chứa nhiều chất độc hại và tuổi thọ không được như cam kết của nhà sản xuất. Đèn LED dù có công suất nhỏ nhưng quang thông lớn, chỉ số hoàn màu CRI cao và hiệu suất phát quang cao hơn rất nhiều so với các loại bóng đèn thông thường. Đặc biệt, đèn LED không chứa chất độc hại, không phát ra tia hồng ngoại, tử ngoại gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng. Cùng với đó, đèn LED tỏa ít nhiệt năng hơn, tiết kiệm điện năng lên đến 80% so với đèn sợi đốt hay đèn huỳnh quang.
Thiết kế cửa sổ thông minh tiết kiệm năng lượng: Hãy biến ngôi nhà thành một không gian thoáng sáng, thân thiện với môi trường bằng cách lắp đặt những khung cửa sổ rộng cho phép ánh sáng tự nhiên và không khí tươi luân chuyển khắp nhà. Thậm chí chỉ cần mở cửa vài phút mỗi ngày cũng giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà. Khung cửa sổ làm từ gỗ, nhựa vinyl hay sợi thủy tinh là những lựa chọn thân thiện với môi trường nhất.
Trang trí nhà với cây xanh: Tất nhiên không gian sống sẽ không “xanh” đúng nghĩa nếu thiếu vắng màu xanh cây lá trong ngôi nhà. Hãy tô điểm cho tổ ấm của bạn với những chậu cây nhỏ xinh, dễ thương như cây lan ý, trúc cảnh, cây nhện, cây lưỡi hổ hay cây hoa cúc. Những loại thực vật này có khả năng loại bỏ các chất gây ô nhiễm trong không khí như benzen (nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ ung thư và thiếu máu), formaldehyd (gây ra một số loại ung thư, làm kích ứng da, mắt, mũi và họng) và xylene (gây đau đầu, chóng mặt và khó thở).
Ưu tiên sử dụng sản phẩm làm từ sợi hữu cơ: Đối với chăn, drap, gối, nệm, thảm trải sàn hay những nội thất khác, hãy cân nhắc sử dụng các sản phẩm làm từ sợi hữu cơ nhằm bảo vệ bạn và gia đình mình khỏi mạt bụi hay rệp giường gây dị ứng, hen suyễn. Ngoài ra, hãy ưu tiên sử dụng sản phẩm từ len và các vật liệu có khả năng chống cháy tự nhiên, bởi các chất liệu này sẽ không phải xử lý chậm cháy bằng các hóa chất độc hại đối với làn da và không khí.
Lựa chọn sơn thân thiện với môi trường: Mỗi khi có ý định làm mới ngôi nhà bằng cách sơn lại những bức tường thì hãy nhớ rằng các loại sơn thông thường chứa khoảng 10.000 hóa chất, trong đó có 300 loại là độc tố và 150 chất gây ung thư. Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) thường được sử dụng để sản xuất sơn, thậm chí cả thảm trải sàn là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe như chóng mặt, buồn nôn và đau đầu. Không gian sống xanh đồng nghĩa rằng không gian đó phải tốt cho sức khỏe. Vì thế, hãy chuyển sang sử dụng những loại sơn không chứa VOC hoặc có hàm lượng VOC cực thấp – là các loại sơn có ghi Low-VOC hoặc No-VOC.
Lắp đặt mái nhà năng lượng mặt trời: Mái nhà năng lượng mặt trời là yếu tố cần với bất cứ công trình xanh nào với ưu điểm là không mất công vận hành, không gây ồn, không tạo khí thải độc hại. Không chỉ vậy, mái nhà năng lượng mặt trời còn giúp bạn tiết kiệm chi phí sinh hoạt hằng tháng nếu xét về lâu về dài.
Sử dụng gạch làm từ thủy tinh phế thải: Việc sử dụng gạch thủy tinh là một trong những xu hướng trang trí nhà được nhiều gia đình ứng dụng. Gạch kính có khả năng cách âm, cách nhiệt, không thấm nước, không bị bám bẩn hay nấm mốc và cho phép ánh sáng đi xuyên qua, nên rất phù hợp những khu vực có độ ẩm cao như bếp và phòng tắm hay những khu vực thiếu sáng trong nhà. Ngoài ra, gạch kính được tạo nên bằng cách tận dụng thủy tinh phế thải, những vật liệu phải mất hàng triệu năm mới phân hủy trong môi trường tự nhiên, nên khi sử dụng loại vật liệu này bạn đã đóng góp một phần trong việc làm giảm lượng thủy tinh phế thải chất đống trong các bãi tập kết rác.
Thay hệ thống thông gió và điều hòa không khí đã cũ: Nếu những hệ thống này đã có tuổi đời hơn 20 năm thì đừng ngần ngại mà hãy thay ngay hệ thống hiện đại, tiết kiệm năng lượng hơn, bởi những hệ thống cũ kỹ, già nua như vậy thường “ngốn” năng lượng nhiều hơn những gì chúng ta vẫn nghĩ. Ngoài ra, cần xử lý các vấn đề gây thoát không khí mát ra ngoài như khe hở ở cửa chính, cửa sổ, lối ra vào, mái nhà…
Lắp đặt thiết bị tiết kiệm nước: Lắp đặt bồn cầu có hai mức xả, vòi sen tăng áp là những giải pháp tiết kiệm nước rất hiệu quả. Khi thay mới bình nước nóng, nên chọn bình có dung tích vừa phải để vừa tiết kiệm nước vừa tiết kiệm thời gian chờ nước nóng. Đây đều là những giải pháp không quá tốn kém nhưng lại thiết thực.
Theo Khánh Ly/moitruong.com.vn/Tapchimoitruong/Tuoitre