Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tel Aviv của Israel ngày 31/7 công bố kết luận: Phơi nhiễm khí thải từ các phương tiện giao thông làm gia tăng 50% nguy cơ phát triển bệnh ung thư ở các bệnh nhân mắc bệnh tim.

Sau khi tiến hành khảo sát hồ sơ bệnh án của hơn 12.000 bệnh nhân mắc bệnh về tim mạch có trải qua phẫu thuật đặt Stent mạch vành, cùng với những dữ liệu từ Bộ Y tế Israel, các nhà nghiên cứu đã phát hiện có 300 bệnh nhân trong số đó mắc phải 1 loại ung thư thời kỳ sau phẫu thuật và cũng có 3.000 bệnh nhân sau đó đã tử vong.

Nghiên cứu này đã phát hiện ra mối liên hệ giữa việc phơi nhiễm khí thải ô nhiễm từ phương tiện giao thông và nguy cơ gia tăng một số loại bệnh ung thư như: ung thư vú, phổi, tuyến tiền liệt, cũng như nguy cơ tử vong ở hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh về tim mạch.

Để tăng tính chính xác cho kết luận này, các nhà nghiên cứu còn kiểm tra chéo thông qua số liệu thống kê về NOx của từng cá nhân tham gia nghiên cứu, vốn được tính toán kỹ lưỡng theo 2 thuật toán của Viện Công nghệ Israel và Đại học Jerusalem.


Ô nhiễm không khí có thể gây ung thư và hàng loạt bệnh.

NOx là thước đo độ phơi nhiễm khí thải ô nhiễm từ phương tiện giao thông. Kết quả nghiên cứu cho thấy: việc phơi nhiễm NOx cao làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư cao 1,56 lần ở bệnh nhân tim mạch.

VTV cho biết: Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cũng xem xét các yếu tố cá nhân, thói quen sinh hoạt trong các đối tượng tham gia nghiên cứu.

Ô nhiễm không khí có thể gây ung thư và hàng loạt bệnh

Bệnh hô hấp: Chia sẻ với Zing.vn, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam – Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP.HCM – cho hay ô nhiễm không khí có tác động rất rõ ràng và nguy hiểm đến sức khỏe con người, song ít người để ý.

Nó ảnh hưởng hệ hô hấp đầu tiên, gây viêm đường hô hấp trên như tai mũi họng. Bệnh nhân thường xuyên nghẹt mũi, xoang, viêm phế quản, nặng hơn có thể gây tình trạng dị ứng, hen suyễn.

Mũi là “cửa ngõ” của đường hô hấp, vì thế đây là cơ quan đầu tiên trên cơ thể phản ứng với những thay đổi thất thường của thời tiết hoặc tác nhân từ môi trường. Khi không khí bị ô nhiễm kéo dài và mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, những bệnh liên quan “cửa ngõ” này rất dễ xuất hiện và thực sự khó kiểm soát.

Tim mạch: PGS Nam cũng khuyến cáo chất ô nhiễm sẽ làm tăng độc tố trong máu, gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp, từ đó gây nên các hệ lụy nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim…

“Các chất ô nhiễm này là những chất độc tính xuyên qua màng lọc của phổi, đi vào trong máu, cơ thể, ngấm vào các thành mạch, gây ra tình trạng xơ vữa. Chúng có thể tác động gây bệnh tức thời như viêm phổi, viêm mũi, hen suyễn, phế quản. Về lâu dài, chúng sẽ lấp đầy trong phổi, xơ cứng phổi, 5-10 năm sau mới phát bệnh”, PGS Nam phân tích.

Bác sĩ này cho biết từng điều trị cho nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người làm việc trong môi trường ô nhiễm như lò than, nhà máy xi măng với các bệnh lý về phổi. Thậm chí, có những bệnh nhân xơ cứng phổi, khi rửa cho nước đen như nước cống.

Bệnh ung thư: Bác sĩ Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương – cho hay tình trạng ô nhiễm, bao gồm ô nhiễm thông thường do khói bụi, là tác nhân gây viêm đường hô hấp, viêm phế quản, phổi, hen, phổi tắc nghẽn mãn tính.

GS Nguyễn Bá Đức – nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam – cũng cho biết ung thư có nguyên nhân 80% xuất phát từ môi trường sống, trong đó có ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, chất phóng xạ…

Phòng tránh ô nhiễm bằng cách nào?

Theo các chuyên gia, người dân sống trong môi trường ô nhiễm như vậy, cần giữ nguyên tắc:

– Đeo khẩu trang hoạt tính, kính chắn bụi mỗi khi ra đường.

– Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài.

– Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, trước khi đi ngủ và khi tiếp xúc với bộ phận khác trên cơ thể.

– Khi về nhà, cần thay quần áo và tắm gội ngay.

– Không ăn uống lề đường, chọn thực phẩm sạch, không bị nhiễm bẩn.

– Hạn chế đi ra ngoài.

Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn (2/8/2019)