Trong bầu không khí luôn mù mịt các loại khói, bụi… bên ngoài, chúng ta tưởng được an toàn trong ôtô, nhưng đó chỉ là ảo giác mà thực tế thì môi trường trong đó bị ô nhiễm cao gấp nhiều lần bên ngoài.

Theo các chuyên gia, nguồn gây ô nhiễm trong ôtô được hình thành từ 3 nguồn chính: Thứ nhất là từ nguồn không khí ô nhiễm bên ngoài được hút vào trong ôtô theo hệ thống điều hòa, nhưng bộ lọc không khí khó có thể lọc được hết các chất độc hại đó; Thứ hai từ các đồ vật trong ôtô sinh ra như các đồ nhựa, chất liệu bọc ghế, các chất keo, sơn và nấm mốc bám trong màng lọc không khí điều hòa, nấm mốc tự sinh trong các ngóc ngách của xe; Thứ ba là các loại hóa chất tự chúng ta đưa vào xe như nước hoa, các chất vệ sinh nội thất ôtô, chúng bám vào các chất liệu trong ôtô ngày càng nhiều.


Ô nhiễm môi trường trong ôtô – Điều ít ai biết

Cấp độ ô nhiễm và sự hình thành nên nhiều hay ít các chất độc hại trong xe cũng phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân, bao gồm cả khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân: Môi trường bên ngoài quá ô nhiễm (trong các giờ cao điểm, cùng một lúc có quá nhiều khí thải từ các loại phương tiện giao thông) nên các thiết bị của xe không thể xử lý kịp; từ chính chiếc xe bạn đang sử dụng quá cũ hoặc chưa đủ hiện đại để có thể xử lý sự ô nhiễm đó; từ chính bản thân bạn do lơ là trong việc bảo quản, không chăm sóc xe theo định kỳ, hướng dẫn của nhà sản xuất.

Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia cho biết, xe để dưới trời nắng nóng tạo ra nhiều độc hại nhất. Bên cạnh việc làm giảm tuổi thọ của xe thì trời càng nóng, thời gian để càng lâu, mức độc hại được sinh ra càng nhiều.

Hoặc nhiều người có thói quen nguy hiểm là vừa lên xe là nổ máy và bật điều hòa luôn, trong khi vẫn đóng kín các cửa. Họ đã không biết một điều rằng khi xe để qua đêm, trong xe đã bị tích tụ nhiều khí độc hại được hình thành từ các đồ vật, và khi bật điều hòa mà đóng kín cửa, vô tình đã phải hít toàn bộ các chất độc hại đó.

Trước tình trạng báo động ngày tăng bởi sự ô nhiễm môi trường từ khí thải ôtô, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn số 436/TTg-CN ngày 28/3/2017 Về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo qui định tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg.

Theo đó, “Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ôtô bảo đảm từ ngày 01/1/2018 tất cả các loại xe ôtô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 theo đúng qui định tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vướng mắc, phát sinh và đề xuất giải pháp xử lý bảo đảm thực hiện lộ trình nêu trên”.

Theo quyết định này, lượng khí thải gây ô nhiễm từ ôtô sẽ bị giảm đi rất nhiều, và cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Đây được cho là một trong những giải pháp tích cực, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và cho những người sử dụng ôtô. Tuy nhiên việc bảo vệ sức khỏe không chỉ dựa vào cơ quan quản lý Nhà nước, sự hiện đại của chiếc xe, mà chính những người lái xe cũng phải biết tự bảo vệ sức khỏe cho mình.

Theo chuyên gia Lê Văn Tạch, người có nhiều năm kinh nghiệm làm trong một hãng ôtô cho biết: “Hệ thống lọc không khí đóng vai trò quan trọng nhất trong việc làm sạch không khí trong xe. Nếu biết bảo dưỡng thường xuyên, đúng cách, chắc chắn sẽ hạn chế rất lớn nguồn nguy hiểm từ việc ô nhiễm môi trường trong xe gây ra cho sức khỏe người sử dụng. Một chiếc xe dù hiện đại đến mấy mà không bảo dưỡng đúng cách thì vẫn gây ô nhiễm trong cabin như xe cũ”.

Hiện nay trên thị trường có các sản phẩm và công nghệ thân thiện với môi trường trong đó công nghệ rửa “nội soi” là công nghệ hiện đại, không cần tháo lắp các bộ phận, khác hẳn phương pháp truyền thống là phải tháo hết các bộ phận. Bằng công nghệ này sẽ phá tan các mảng bám lâu ngày, tăng hiệu quả làm mát tối đa, bảo vệ và tăng tuổi thọ lốc giàn lạnh, diệt toàn bộ vi khuẩn, nấm mốc có trong xe, khử mùi, lọc không khí.

Theo Tapchicongthuong.vn (7/8/2019)