Theo các chuyên gia hóa học, ốp điện thoại không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên thị trường hiện nay tiềm ẩn nhiều hóa chất độc hại.
Theo ghi nhận, hiện nay thị trường ốp lưng cho điện thoại ở Việt Nam phần lớn là hàng không rõ nguồn gốc có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn. Mặt hàng này được bày bán ở nhiều nơi, từ các cửa hàng điện thoại di động lớn, nhỏ cho đến vỉa hè.
Mẫu mã của mặt hàng này rất đa dạng, nhiều màu sắc, hình thù, chất liệu phong phú, từ khung nhựa cứng tới đính đá, da sần hoặc trơn, ốp có tráng gương, ốp chứa nước và kim tuyến ở giữa…
Ốp điện thoại không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều hóa chất độc hại.
Mỗi nơi, giá bán mặt hàng này khác nhau. Ở các cửa hàng nhỏ lẻ, vỉa hè giá ốp dao động từ 50.000-200.000 nghìn đồng. Trong khi đó, ở các cửa hàng lớn trưng bày những mẫu đắt hơn, có mẫu lên tới 500.000 đồng và được cho là có chất lượng không thua kém hàng chính hãng. Còn những mẫu do chính công ty điện thoại sản xuất có giá khá cao, khoảng 1 triệu đồng trở lên.
Do nhu cầu cao, các cửa hàng liên tục nhập về nhiều mẫu mới hỗ trợ đa dạng sản phẩm. Theo chủ một cửa hàng bán phụ kiện điện thoại trên phố Hàng Giấy (Hoàn Kiếm, Hà Nội), so với điện thoại, thời gian thay mới ốp lưng nhanh hơn nhiều. Chỉ cần khách hàng yêu cầu, loại ốp điện thoại nào cửa hàng cũng có. Tuy nhiên, đối với những loại điện thoại không phổ biến thì không có nhiều lựa chọn về mẫu mã.
Không chỉ ở các cửa hàng, trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử… cũng tràn ngập ốp lưng, bao da dành cho thiết bị di động. Tuy nhiên mới đây, Hiệp hội Người tiêu dùng Thâm Quyến, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm trên 30 mẫu ốp lưng từ 28 thương hiệu điện thoại phổ biến dựa trên các tiêu chuẩn an toàn của châu Âu. Trong số 30 chiếc được kiểm tra, 7 chiếc dùng cho sản phẩm của 5 hãng điện thoại lớn là Apple, Xiaomi, Yuening, Tiya và Q-Guo đã không đáp ứng các tiêu chí đề ra. Những chiếc ốp điện thoại này chứa hàm lượng hóa chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép.
Trước đó, tháng 8/2017, 263.000 chiếc ốp cho iPhone chứa dung dịch lạ, lấp lánh cũng bị thu hồi tại thị trường Mỹ. Theo Ủy ban An toàn thực phẩm Mỹ, dung dịch bên trong ốp lưng có thể gây khó chịu cho da, thậm chí làm phồng rộp hoặc bỏng hóa học cho da nếu rò rỉ.
Những thông tin trên khiến một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn về việc dùng ốp điện thoại không rõ nguồn gốc hàng ngày có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ nhỏ thường gặm, cắn vào vỏ điện thoại.
Cho biết cụ thể hơn về các loại hóa chất nào tiềm ẩn trong ốp điện thoại, TS. Trần Quang Tùng, Viện Kỹ thuật Hóa học, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trong ốp điện thoại tiềm ẩn rất nhiều hóa chất mà người dùng không thể biết dưới đây:
Hợp chất PAH: PAH là tập hợp các chất có nhiều vòng thơm (vòng benzen) ngưng tụ. Có thể có những chất không độc, nhưng cũng có rất nhiều chất trong số đó là chất độc như Naphtalen…
Chất hóa dẻo: Nhiều vỏ ốp điện thoại rất dẻo do được đưa vào chất hóa dẻo làm cho nhựa mềm, dẻo, dai, thậm chí bóng hơn. Hai chất hóa dẻo được dùng phổ biến hiện này là Dibutyl phthalate và Dioctyl phthalate. Trong đó, có nơi liệt Dibutyl phthalate vào danh mục các chất có khả năng gây đột biến, quái thai.
Chất tạo màu: Những chất tạo màu thường được nghiền ra ở kích cỡ rất nhỏ rồi trộn vào nhựa để tạo thành nhiều màu khác nhau cho vỏ ốp. Trong đó, người ta hay sử dụng Cadimi – nguyên tố độc được xếp vào nhóm gây ung thư nguy hiểm.
Cũng theo các chuyên gia công nghệ, việc sử dụng vỏ điện thoại không những không kéo dài tuổi thọ cho điện thoại mà còn gây ảnh hưởng đến chức năng làm mát của nó. Trên thực tế, điện thoại có thể dùng bền hơn khi không dùng ốp lưng và ngược lại, “tuổi thọ” kém hơn khi có ốp lưng bao bọc. Bởi thế, người tiêu dùng nên chú ý khi chọn mua vỏ ốp điện thoại. Không nên mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, địa chỉ không uy tín.
Theo An Dương/vietq.vn (30/9/2018)