Theo PGS. TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, hiện nay, cách tiếp cận về tư duy an ninh năng lượng vẫn mang dáng dấp “hầu cung” và hiệu quả sử dụng còn thấp. Tại Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2018, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần thay đổi cơ chế, hệ thống điều hành mới giải quyết được vấn đề này.
Thay đổi tư duy tiếp cận
Nhận định về thực trạng phát triển ngành điện hiện nay, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Chúng ta muốn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trước hết phải giải quyết được những khúc mắc nội tại của ngành điện. Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, cần phải thay đổi tư duy tiếp cận, thay vì chỉ đi lo làm sao sản xuất cho đủ nguồn cung, ngành điện cần xử lý ở khía cạnh tiêu dùng, tức là giải quyết vấn đề về giá điện.
Phân tích thực trạng phát triển của ngành năng lượng Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên thẳng thắn: tư duy về an ninh năng lượng của chúng ta hiện đang rất giống với tư duy về an ninh lương thực. Tức là ngày trước, khi đói kém, chúng ta chỉ mong làm sao để có đủ ăn. Nhưng bây giờ khi đã sản xuất được lượng lúa gạo lớn, có thể xuất khẩu rồi, hay nói cách khác là thừa gạo để ăn rồi, chúng ta vẫn lo đi giữ đất mà không tìm ra những phương pháp chuyển đổi, vì thế đời sống người nông dân vẫn rất khó khăn.
PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.
Tư duy đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam hiện nay cũng tương tự như vậy. Vẫn chủ yếu dựa vào nền tảng sinh tồn. Thế nhưng cần phải hiểu rằng, thời đại thay đổi thì cơ chế về đảm bảo an ninh năng lượng cũng như đảm bảo an ninh lương thực cần phải đổi khác đi.
PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, tư duy của một hệ gắn với những điều kiện của một thời đại thay đổi, buộc chúng ta phải nhìn chiến lược an ninh năng lượng đặc biệt từ phía sử dụng, phía nhu cầu.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, cơ chế điều tiết – cân bằng cung cầu năng lượng đó là: về phía cầu tiêu dùng năng lượng gắn với hiệu quả sử dụng năng lượng tính trên hai khía cạnh: vĩ mô, lâu nay chúng ta sử dụng quá lâu một cơ cấu kinh tế tiêu thụ năng lượng quá tốn kém, công nghệ thấp khai thác tài nguyên nhiều, gia công là chính nên tiêu thụ năng lượng rất lớn; về vi mô (hiệu quả sử dụng năng lượng tại cơ sở còn thấp). Sức mạnh điều tiết của giá cả đến phân bổ nguồn lực (cơ cấu kinh tế) và hành vi tiêu dùng (hiệu quả sử dụng năng lương).
Trên cơ sở phân tích đó, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, lời giải cho bài toán nguy cơ thiếu điện, chúng ta phải quan tâm đến quản lý phía cầu trong đảm bảo an ninh năng lượng, chứ không chỉ nhăm nhăm đi lo nguồn cung. Theo đó, cách tiếp cận phải nằm trong sự phát triển của nền kinh tế, nghĩa là phải thay đổi và tính toán giá điện theo cơ chế thị trường, do thị trường quyết định.
Giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng
PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, nhưng với vai trò là bộ quản lý ngành, thời gian qua, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã làm rất tốt công tác đảm bảo điện cho nền kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu của Chính phủ là duy trì tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao trong nhiều năm nên nhu cầu năng lượng chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên. Vì vậy, cần có giải pháp năng lượng đồng bộ, toàn diện phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Toàn cảnh diễn đàn.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thứ nhất, cần có cách tiếp cận mới. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tức là tư duy về cấu trúc ngành và các loại công nghệ cho sử dụng năng lượng, ông mong muốn chuyển nhanh cấu trúc công nghiệp, cấu trúc kinh tế sang công nghiệp 4.0
Thứ hai, vấn đề toàn cầu hóa không thể không quan tâm, nó đặt ra những tiêu chuẩn cho việc sản xuất và tiêu dùng năng lượng. Tiếp đến là cần điều chỉnh cả phía cung lẫn phía cầu trên căn bản giá cả thị trường điều tiết nguồn cung năng lượng.
PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng “phải lấy giá cả để điều tiết nguồn cung năng lượng”. Nếu để giá thấp, nền kinh tế không thể phát triển được, phía tiêu dùng họ vẫn lãng phí trong tiêu thụ năng lượng.
Điểm cuối cùng đó là cần phải tư duy hiên đại hóa phải chi phối, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghệ cao, đô thị hóa và đinh hướng đô thị thông minh. Trong đó, cần giải bài toán cân đối cung – cầu cũng như hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện; giữa quản lý và tiêu dùng, an sinh xã hội, cũng như các vấn đề về môi trường bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Nguyễn Hoan/petrotimes.vn (14/8/2018)