Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và tình hình thực tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung QCVN 9:2012 về tương thích điện từ.
Theo nội dung dự thảo QCVN 9 sửa đổi, phạm vi điều chỉnh sẽ không áp dụng cho thiết bị điện, điện tử sử dụng nguồn điện ba pha. Tuy nhiên, quy chuẩn sẽ bổ sung thêm 4 nhóm sản phẩm cần quản lý theo từng giai đoạn, cụ thể: Máy sấy tóc; Lò vi sóng (kể cả loại kết hợp) sẽ áp dụng QCVN từ tháng 7/2019; Thiết bị đun nấu (loại điện từ); Bếp điện (bếp điện quang, bếp điện từ) sẽ áp dụng QCVN từ tháng 7/2020 và Máy xay sinh tố, máy ép trái cây, máy xay thịt, máy đánh trứng sẽ phải đáp ứng các yêu cầu của QCVN trước khi lưu thông trên thị trường từ tháng 7/2021.
Máy sấy tóc, máy xay sinh tố… là những sản phẩm gia dụng sẽ phải áp quy chuẩn QCVN 9 sửa đổi.
Việc ban hành QCVN 9 sửa đổi sẽ là một công cụ kỹ thuật hiệu quản kiểm soát, loại trừ hoặc hạn chế các nguy cơ có thể xảy ra gây mất an toàn cho hạ tầng cơ sở (mạng thông tin, viễn thông, điều khiển, mạng điện…), cũng như bảo vệ môi trường tài nguyên (dải tần số vô tuyến), đồng thời nhằm bảo đảm sự hoạt động ổn định của các thiết bị, phòng tránh các sự cố gây ra do tương tác, can nhiễu quá mức khiến các thiết bị hoạt động sai lệch, không đúng tính năng hoặc nghiêm trọng hơn, làm tê liệt hoặc hư hỏng.
Theo Vụ Tiêu chuẩn – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ( Bộ KH&CN), trên thế giới, hệ thống tiêu chuẩn của Ủy ban Kỹ thuật điện Quốc tế – IEC được đánh giá là khá đầy đủ, đồng thời hệ thống tiêu chuẩn này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Hầu hết các nước trên thế giới đều tuân theo các tiêu chuẩn này. Các tài liệu của IEC được chia thành 2 nhóm chính:
Các tiêu chuẩn tương thích điện từ cơ bản: Các tiêu chuẩn cơ bản của IEC qui định các điều kiện hoặc các nguyên tắc chung để đạt được sự tương thích điện từ. Các tiêu chuẩn này được bao gồm trong các bộ tiêu chuẩn IEC 61000 hoặc CISPR x.
Các tiêu chuẩn áp dụng cho các sản phẩm: Chúng có thể là các tiêu chuẩn tương thích điện từ chung hoặc tiêu chuẩn tương thích điện từ cho một sản phẩm cụ thể, đó là các nguyên tắc áp dụng các tiêu chuẩn cơ bản cụ thể.
CISPR 16 gồm 14 tiêu chuẩn qui định thiết bị và các phương pháp đo nhiễu và khả năng miễn nhiễm đối với chúng ở các tần số trên 9 kHz. CISPR 16-1 bao gồm 5 phần, qui định điện áp, dòng điện và dụng cụ đo trường cho các loại nhiễu băng rộng và hẹp ở các tần số này, bao gồm các đặc tính kỹ thuật cho thiết bị chuyên biệt cần để đo nhiễu liên tục.
CISPR 22 là tiêu chuẩn về họ sản phẩm của IEC. Tiêu chuẩn quốc tế CISPR 22 “Information technolory equipment – Radio disturbance characteristics – Limits and methods of measurement” đề cập cụ thể đến giới hạn và phương pháp đo đặc tính nhiễu vô tuyến của thiết bị công nghệ thông tin. Tiêu chuẩn CISPR 22 đã được bổ sung cập nhật trong các phiên bản đã ban hành gần đây nhất.
CISPR 25 đưa ra các giới hạn nhiễu vô tuyến và phương pháp đo kiểm để bảo vệ máy thu trên tàu thuyền.
CISPR 11 đề cập đặc tính nhiễu điện từ, phương pháp đo nhiễu đối với các thiết bị vô tuyến dùng trong công nghiệp, y tế và khoa học.
Các tiêu chuẩn của IEC thường là các tiêu chuẩn cơ bản dùng chung, đề cập tới các giới hạn nhiễu, miễn nhiễm và phương pháp đo kiểm đối với các họ thiết bị, hệ thống.
Nhìn chung, các sản phẩm điện, điện tử tiêu thụ trên thị trường của các nước thành viên EU, Mỹ, Úc đều phải được chứng nhận về EMC.
Ở các nước khác trong khối ASEAN, việc chứng nhận về EMC đang áp dụng theo hình thức tự nguyện, chỉ có Thái Lan đang áp dụng theo hình thức bắt buộc chứng nhận EMC theo CISPR 15 đối với sản phẩm chiếu sáng. Hiện nay, tổ chức này cũng đang đưa ra xem xét việc quản lý EMC cho các sản phẩm thiết bị, điện điện tử trong thời gian tới.
Theo Vietq