Cách chống ngập của Singapore là rất thông minh: nước ngập do mưa và sông ngòi được chuyển vô đập – hồ chứa Marina cùng 17 hồ chứa để dùng dần.
Còn ở Việt Nam, 1 ý tưởng chống ngập tự động của một học sinh ở Tiền Giang cũng được đánh giá cao.
Singapore chỉ rộng 700km2 với 6 triệu dân. Đất nước này chống ngập bằng cách tái sử dụng nước và chứa nước mưa. Thông qua hệ thống sông, cống và kênh, nước mưa ở 2/3 diện tích Singapore được đưa vào 17 hồ chứa để xử lý trước khi đưa vào sử dụng.
Theo số liệu của Cơ quan Nước quốc gia Singapore, kể từ năm 2011 đến nay, sau khi hoàn tất thêm ba hồ chứa gồm Marina, Punggol và Serangoon, diện tích hồ trữ nước đã tăng diện tích đáng kể tại Singapore.
Trong số này, công trình phức hợp đập – hồ chứa Marina là quan trọng nhất và được thế giới đánh giá rất cao. Đây là công trình mới nhất trong chiến lược hơn 20 năm của Singapore trong vấn đề giải quyết nguồn nước và chống ngập.
Theo thông tin trên Báo Tuổi Trẻ, tháng 12-1978, Singapore hứng chịu đợt lũ lụt lớn khi mưa trút 512mm nước chỉ trong một ngày. Nước ngập tới ngực, hàng ngàn người phải di tản, heo gà chết… Ngay khi đó, chính quyền non trẻ của Singapore phải đứng trước thách thức xử lý lâu dài vấn nạn ngập lụt.
Công việc đầu tiên là phải làm sạch sẽ, nạo vét lòng sông, di dời nhà máy, nhà dân ở hai bờ những con sông chính tại Singapore, đáng kể nhất là sông Singapore. Tầm nhìn dài hạn về vấn đề sử dụng nguồn nước và tránh ngập lụt tại Singapore có dấu mốc lớn vào năm 2005 với việc khởi công đập – hồ chứa Marina.
Mất ba năm xây dựng với kinh phí 135 triệu USD, đập – hồ chứa Marina hoàn thành trong năm 2008. Công trình xây một con đập chắn ngang eo Marina dài 350m, tạo thành một hồ chứa nước ngọt, cung cấp khoảng 10% nước ngọt dành cho người dân ở đảo quốc sư tử.
Thông qua hệ thống sông, cống và kênh, nước mưa ở 2/3 diện tích Singapore được đưa vào 17 hồ chứa để xử lý trước khi đưa vào sử dụng.
Đập Marina vừa có tác dụng ngăn không cho nước biển tràn vào đảo nhờ 10 cổng thoát nước ra biển. Nếu mưa lớn, hồ chứa sắp tràn, với điều kiện thủy triều thấp, 10 cổng thoát này được mở để nước đi ra biển.
Nếu gặp thủy triều cao, hệ thống bơm được sử dụng, đạt công suất 40m3/giây, tương đương bơm hết một hồ bơi tiêu chuẩn Olympic trong vòng hơn 1 phút. Và cùng với những hồ chứa khác đã giúp diện tích đất có khả năng bị ngập lụt tại Singapore giảm đáng kể.
Mô hình chống ngập tự động: Sáng kiến “cứu cánh” cho đô thị
Chống ngập tự động ở đô thị là ý tưởng độc đáo, được đánh giá cao của một học sinh ở Tp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Mô hình cấu tạo gồm 1 board xử lý Aarduino được đặt tại trung tâm xử lý, 1 cảm biến mưa đặt ở nơi tương đối cao để dễ nhận được tín hiệu, 2 cảm biến lưu lượng nước được gắn ở hệ thống cống, 1 bơm nước để bơm nước sang hồ điều tiết, 2 rờ-le (relay)…
Mô hình hệ thống chống ngập tự động.
Trong trường hợp có mưa lớn, hệ thống hoạt động khi cảm biến mưa có tín hiệu; đồng thời cảm biến lưu lượng số 1 đo được lượng và khối lượng nước tương đối lớn, có thể gây ngập thì board xử lý sẽ kích hoạt máy bơm khởi động để bơm nước từ hệ thống cống sang hồ điều tiết. Nếu trời mưa nhỏ, lưu lượng nước đo được ở mức thấp, không gây ngập thì hệ thống không hoạt động; nếu cảm biến lưu lượng có tín hiệu nhưng không có mưa thì hệ thống cũng không hoạt động.
Theo Monre, khi triều cường dâng cao, cảm biến lưu lượng số 2 sẽ đo lưu lượng, nếu khối lượng nước đủ lớn, có thể gây ngập thì board xử lý kích hoạt máy bơm khởi động để bơm nước sang hồ điều tiết.
Mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng hiệu quả cho các thành phố lớn. Khi đó, cần xây dựng một số hồ điều tiết vệ tinh xung quanh nhằm tích nước vào mùa mưa; đồng thời có thể tái sử dụng phục vụ sinh hoạt hoặc cấp nước cho khu vực ngoại thành trong mùa khô hạn, nhất là khi nước sông bị nhiễm mặn.
Theo moitruong.com.vn