Phát triển công trình xanh đang được đánh giá là xu hướng tất yếu không chỉ ở các nước phát triển, mà tại Việt Nam cũng đang nở rộ. Những lợi ích công trình xanh mang lại vô cùng đa dạng, có thể xếp vào 3 loại chính, đó là: môi trường, kinh tế và xã hội.

Hoạt động phát triển công trình xanh được khởi đầu từ Anh Quốc năm 1990, sau đó là Mỹ (1993), Canada (năm 1998). Năm 2000, Hội đồng Công trình Xanh thế giới (WorldGBC) được thành lập. Đến nay, phát triển công trình xanh đã lan rộng và trở thành xu hướng tại nhiều nước trên thế giới.

“Trong nhịp sống năng động, sau những giờ làm việc căng thẳng, người ta cần nơi nghỉ ngơi, yên tĩnh, nhưng cũng không quá đơn điệu. Sống gần thiên nhiên không bị lệ thuộc quá nhiều vào năng lượng nhân tạo sẽ giúp chủ nhân sống khoẻ, tâm hồn thư thái để tái tạo sức lao động”, TS. Nguyễn Đăng Sơn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, chia sẻ trên Báo Đầu tư Bất động sản, rằng công trình xanh và đô thị xanh chính là cơ sở tăng trưởng kinh tế xanh, đảm bảo phát triển bền vững.

Tòa nhà văn phòng Homebase Unilever – Vietnam sử dụng năng lượng hiệu quả.

Lợi ích môi trường

Giảm khí thải. Chất gây ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện là một phần nguyên nhân của biến đổi khí hậu, gây nên các vấn đề về chất lượng không khí như mưa a-xít hay sương khói và đe dọa sức khỏe con người. Các giải pháp công trình xanh như sử dụng năng lượng mặt trời, chiếu sáng tự nhiên và các tiện ích giao thông công cộng làm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm khí thải độc hại.

Lợi ích kinh tế

Tiết kiệm năng lượng và nước. Hiệu quả sử dụng tài nguyên nhờ vào thiết kế và công nghệ xanh giúp giảm thiểu đáng kể chi phí vận hành, nhanh chóng bù lại cho các chi phí phụ trội của dự án cũng như tiết kiệm về lâu dài. Số tiền trước đây dành cho chi phí tiện ích có thể được sử dụng cho những mục đích khác.

Lợi ích xã hội

Cải thiện sức khỏe. Chất lượng môi trường bên trong công trình không đảm bảo do các nguyên nhân như thiếu sự không khí, thiếu ánh sáng, ẩm mốc, chênh lệch nhiệt độ, chất liệu đồ nội thất, thuốc trừ sâu, chất kết dính và sơn độc hại, nồng độ chất ô nhiễm cao (thường cao hơn ngoài trời 10 đến 100 lần) góp phần gây ra các bệnh về hô hấp, dị ứng, buồn nôn, đau đầu và phát ban. Công trình xanh chú trọng đến hệ thống thông gió và các vật liệu không độc hại, ít phát thải nhằm tạo nên môi trường sống và làm việc tiện nghi và an toàn cho sức khỏe con người.

Theo moitruong.com.vn