Các thực phẩm có tính chất chống viêm rất giàu chất chống oxy hóa tự nhiên như flavonoid, ngăn chặn giải phóng tế bào gây viêm và tổn thương do các gốc tự do gây ra sẽ giúp ích trong quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp.

Tình trạng viêm mãn tính có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý và làm trầm trọng thêm triệu chứng của các bệnh như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout và hội chứng ruột kích thích. Bên cạnh đó, tình trạng viêm mãn tính có thể làm xuất hiện triệu chứng như đau nhức cơ thể, mệt mỏi, trầm cảm, táo bón, thay đổi cân nặng và nhiễm trùng.

Theo các chuyên gia, không có chế độ ăn kiêng tiêu chuẩn nào dành cho người bệnh viêm khớp dạng thấp (RA), tuy nhiên bổ sung thực phẩm có tính chất chống viêm thường xuyên sẽ khiến họ cảm thấy khoẻ hơn, giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim. Nguyên nhân là bởi thực phẩm có tính chất chống viêm rất giàu chất chống oxy hóa tự nhiên như flavonoid, ngăn chặn giải phóng tế bào gây viêm và tổn thương do các gốc tự do gây ra.

Ngoài ra, theo Health Central, các thực phẩm chống viêm không điều trị được viêm khớp dạng thấp, nhưng khi kết hợp với dùng thuốc, chúng có thể giúp giảm đau, cứng khớp, làm chậm diễn tiến của bệnh. Lợi ích của chế độ ăn nhiều thực phẩm chống viêm tích lũy theo thời gian, điều quan trọng là người bệnh cần lựa chọn thực phẩm lành mạnh một cách nhất quán, lâu dài. Dưới đây là những thực phẩm hỗ trợ giảm đau do viêm khớp dạng thấp.

Các loại cá béo

Người mắc viêm khớp dạng thấp có thể ăn nhiều loại cá giàu axit béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ, cá cơm, cá thu, cá trích. Theo tạp chí Nutrients của Mỹ, axit béo omaga-3 có đặc tính chống viêm, giúp cơ thể chống lại các triệu chứng của RA.


Axit béo omaga-3 có trong cá mang lại tác dụng chống viêm, giúp cơ thể chống lại triệu chứng của RA. Ảnh minh họa

Các loại thực phẩm chức năng bổ sung omega cũng mang lại lợi ích tương tự. Nếu bạn không thích ăn cá, không thích mùi vị dầu các, một số loại dầu khác có nguồn gốc thực vật để thay thế gồm dầu hạt lạnh, hạt chia…

Hoa quả và rau xanh

Các loại hoa quả đều giàu chất chống oxy hóa polyphenol, hỗ trợ chống lại tình trạng viêm. Rau củ cũng như hoa quả đều có thể ngăn chặn tổn thương thế bào bằng cách vô hiệu hóa các gốc tự do.

Tùy vào màu sắc của từng loại, chất chống oxy hóa khác nhau, ví dụ thực phẩm màu đỏ như quả hồng, cà chua, dưa hấu… sẽ cung cấp chất chống oxy hóa như lycopene. Những loại rau có màu xanh lại cung cấp chất chống viêm lutein giúp giảm nguy cơ biến chứng viêm khớp dạng thấp liên quan đến mắt.

Các loại hạt

Theo Mayo clinic, một số loại hạt giàu chất béo tốt và chất oxy hóa có thể giảm tình trạng viêm, tốt cho sức khỏe tim mạch. Điều này rất quan trọng vì viêm khớp dạng thấp tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Một số loại hạt nên bổ sung vào chế độ ăn, thay thế cho các bữa ăn nhẹ bao gồm: hạnh nhân, óc chó, hạt điều, lạc…

Các loại ngũ cốc

Thay thế các loại thực phẩm chế biến từ ngũ cốc tinh chế (bánh mì trắng, gạo trắng) bằng ngũ cốc nguyên hạt (bột mỳ nguyên cám, yến mạch, quinoa) có thể giúp ích trong quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp. Các chuyên gia cho biết, ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm mức CRP (protein phản ứng C, một dấu hiệu của tình trạng viêm). Đồng thời, các loại thực phẩm này còn cung cấp chất xơ dồi dào, giúp no lâu hơn và hỗ trợ kiểm soát cân nặng.


Ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm mức CRP (protein phản ứng C, một dấu hiệu của tình trạng viêm). Ảnh minh họa

Các loại đậu

Thay các loại thịt bằng đậu có thể giúp người bệnh giảm lượng chất béo bão hóa (gây viêm và tăng nguy cơ mắc bệnh tim do tăng cholesterol). Theo các chuyên gia, chế độ ăn ít chất béo bão hòa giúp giảm viêm, giảm đau ở những người viêm khớp dạng thấp. Người bệnh nên thêm các loại đậu đen, đậu lăng… và chế độ ăn thay thế cho thịt.

Trà xanh

Trà xanh từ lâu được biết đến với khả năng chống oxy hóa nhờ hàm lượng polyphnol cao. Một nghiên cứu trên Tạp chí Khoa học Vật lý trị liệu của Mỹ cho thấy, những người mắc RA uống trà thường xuyên và tập thể dục đều đặn ít tiến triển bệnh hơn những người không uống.

Theo các chuyên gia, thay đổi chế độ ăn uống là một trong những khía cạnh cần cân nhắc và lưu ý. Trong quá trình điều trị, kiểm soát các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp, người bệnh cần tổng hòa nhiều yếu tố như tập thể dục đều đặn, tăng cường sức đề kháng, dừng hút thuốc, ngủ đủ giấc, kết hợp với tăng cường các thực phẩm chống viêm.

Gia vị


Một số gia vị như tỏi, gừng, nghệ có đặc tính chống viêm tốt cho người bệnh viêm khớp dạng thấp. Ảnh minh họa

Một số gia vị như tỏi, gừng, nghệ có đặc tính chống viêm tốt cho người bệnh viêm khớp dạng thấp. Trong tỏi chứa các chất hạn chế tác động của các cytokine gây viêm, giúp tiêu viêm, khu trừ phong thấp, hạn chế tình trạng đau nhức, mệt mỏi. Người bệnh nhân có thể ăn tỏi trực tiếp hoặc sử dụng tỏi làm gia vị trong các món ăn được chế biến hàng ngày. Ngoài ra, có thể sử dụng các bài thuốc ngâm rượu tỏi,… Nghệ có chứa curcumin có đặc tính chống viêm. Thêm một chút hạt tiêu đen khi chế biến nghệ để tăng cường hiệu quả kháng viêm.

Lựa chọn dầu ôliu trong chế biến thực phẩm

Người bệnh viêm khớp dạng thấp nên cân nhắc lựa chọn dầu ôliu trong thực đơn. Một số thành phần trong dầu ôliu giúp hạn chế tình trạng sưng, viêm ở các khớp gây đau nhức. Có thể dùng dầu ôliu trong chế biến các món ăn hoặc trộn salat.

Khánh Mai (t/h)

https://vietq.vn/8-loai-thuc-pham-tot-cho-nguoi-bi-viem-khop-d209773.html