Phát triển nền kinh tế các-bon thấp, hướng tới giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đã trở thành xu thế phát triển tất yếu của nhân loại. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ này. Để thực hiện theo lộ trình đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ, song không thể bỏ qua những cách hiệu quả dưới đây để giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ bức xạ sóng dài (hồng ngoại) phản xạ từ bề mặt trái đất sau khi được mặt trời chiếu sáng. Nhiệt sau đó được tỏa trở lại trái đất, gây ra hiệu ứng nhà kính. Loại khí này chủ yếu bao gồm: CO2, CH4, N2O, O3 và CFC… Vậy để giảm thiểu các loại khí nhà kính cần:
1. Chuyển dịch năng lượng theo hướng sạch và xanh
Ngành điện nước ta hiện nay đang phụ thuộc khá nhiều vào các nguồn điện sử dụng nguyên liệu hóa thạch (chỉ riêng nhiệt điện than đã chiếm khoảng 45% tổng sản lượng điện hệ thống). Do đó, cần đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời…) với giá thành hợp lý gắn với bảo đảm an toàn vận hành và tính kinh tế chung của hệ thống điện. Ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia. Ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện đồng phát, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý môi trường. Khai thác tối đa tiềm năng thuỷ điện của đất nước trên cơ sở bảo đảm môi trường, bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước. Đẩy mạnh phát triển các loại hình thủy điện tích năng, thủy điện trên các hồ thủy lợi, hồ chứa nước để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất, tận dụng nguồn thủy năng.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phát triển các loại hình năng lượng tái tạo khác như địa nhiệt, sóng biển… Ưu tiên tối đa phát triển các dự án nhiệt điện sử dụng nguồn khí tự nhiên trong nước; Phát triển nguồn điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở quy mô phù hợp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, sử dụng công nghệ hiện đại, hiệu suất cao. Không phát triển nguồn điện sử dụng LNG mới sau năm 2035. Các nhà máy điện sử dụng LNG định hướng chuyển dần sang sử dụng nhiên liệu hydro. Đến năm 2050, đa số các nhà máy nhiệt điện khí chuyển hoàn toàn sang sử dụng hydro.
2. Thực hiện kiểm kê khí nhà kính
Để thực hiện các mục tiêu, cam kết giảm phát thải khí nhà kính, lãnh đạo Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) cho rằng: cần thực hiện giảm phát thải khí nhà kính đối với các cơ sở phát thải hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tđ trở lên từ 2022, 2.000 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2030; 500 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2040; 200 tấn CO2tđ trở lên từ năm 2050, Xây dựng tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính quốc gia và tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở từ năm 2026; Xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến, hệ số phát thải đặc trưng quốc gia, Xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm 30% khí mê tan, thực hiện lộ trình giảm phát thải ròng về “0”, loại trừ các chất làm cạn ozone (ODS).
3. Trồng thêm nhiều cây xanh
Trồng cây xanh, phát triển rừng là một trong những biện pháp giúp giảm thiểu hiệu ứng nhà kính vô cùng hiệu quả và cần được ưu tiên hàng đầu hiện nay. Bởi cây xanh sẽ hấp thụ CO2 thông qua quá trình quang hợp.
4. Sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường
Các phương tiện giao thông phổ biến nhất hiện nay như xe máy, ô tô,… khi đi vào hoạt động đều thải ra rất nhiều khí CO2 và gây ô nhiễm môi trường, cũng như làm gia tăng hiệu ứng nhà kính. Do đó, nếu có thể hãy tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là các phương tiện thân thiện với môi trường.
5. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên
Không chỉ trong sản xuất mà trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày mỗi người cũng sử dụng rất nhiều tài nguyên và gây ra những phát thải nhất định. Do đó, hãy sử dụng thật tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thông qua những việc làm đơn giản như tắt điện khi không sử dụng, vặn nhỏ vòi nước và sửa chữa ngay khi vòi nước có hiện tượng rò rỉ…
VNCPC