Ngày 21/9, Airbus đã tiết lộ 3 mẫu máy bay chạy bằng khí hydro và đặt mục tiêu đưa một chiếc vào khai thác thương mại vào năm 2035.
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 và là đối tượng chính của phong trào “flygskam” (xấu hổ khi bay) vì lượng khí thải CO2 chiếm từ 2 – 3% lượng khí thải toàn cầu, ngành hàng không thế giới đang nỗ lực để tiến tới quá trình khử cacbon trong vận tải hàng không.
Chủ tịch điều hành Airbus Faury Guillaume cho biết: “Đây là một thời khắc lịch sử đối với toàn bộ lĩnh vực hàng không thương mại và chúng tôi dự định sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi quan trọng nhất mà ngành của chúng tôi từng biết đến”. Đối với Bộ trưởng Giao thông vận tải Pháp Jean-Baptiste Djebbari: “Đây là phản ứng tốt nhất đối với những hoạt động phản đối ngành hàng không đã được quan sát trong vài tháng qua”.
Nhà sản xuất máy bay Airbus đang nghiên cứu 3 mẫu thiết bị, tất cả đều chạy bằng hydro và được chỉ định dưới tên mã “ZEROe” (không phát thải). Động cơ hydro không gây ô nhiễm vì nó chỉ tạo ra hơi nước. Nhưng để làm được điều này yêu cầu bản thân hydro là “sạch”, nghĩa là được sản xuất bằng cách điện phân nước sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo hoặc ít phát thải carbon.
Mô hình đầu tiên là động cơ phản lực có hình dáng cổ điển nhưng hơi dài. Chở từ 120 – 200 hành khách, hoặc tương đương với A220 hoặc A320 và phạm vi hoạt động trên 3.500 km, mẫu máy bay này sẽ được lắp một tuabin khí chạy bằng hydro, được chứa trong các bồn chứa đặt ở phần sau của thân máy bay.
“Trái tim của các động cơ máy bay là một tuabin khí, trong đó kerosen được đốt cháy”, Tổng giám đốc Hàng không Dân dụng Pháp (DGAC) Patrick Gandil giải thích. “Đốt cháy hydro trong turbin khí sẽ chỉ cần chỉnh sửa đôi chút. Thiết bị này cũng sẽ được trang bị một pin nhiên liệu, tự cung cấp năng lượng bằng hydro, sẽ cung cấp năng lượng (điện) bổ sung cho động cơ khi cần thiết”, Jean-Brice Dumont, giám đốc kỹ thuật của Airbus, cho biết.
Mẫu thứ hai là một máy bay động cơ phản lực cánh quạt có khả năng chở tới 100 hành khách với tầm bay trên 1.800 km.
Mẫu thứ ba là một máy bay có công suất và tầm hoạt động tương tự như mẫu về động cơ phản lực.
“Thân máy bay đặc biệt rộng cung cấp nhiều khả năng lưu trữ và phân phối hydro, cũng như bố trí cabin”, Airbus giải thích.
Khó khăn của hydro nằm ở việc bảo quản và vận chuyển nó trên máy bay, Grazia Vittadini, giám đốc công nghệ của Airbus, cho biết.
Patrick Gandil giải thích rằng bể chứa hydro đông lạnh phải có hình trụ hoặc hình cầu để chịu được áp lực, vì vậy “chúng ta không thể lắp chúng ở mọi nơi trong cánh như hiện nay”. Điều này mở đường cho nhiều thay đổi có thể xảy ra trong hình dạng của máy bay.
Airbus, nhà sản xuất động cơ Safran, liên doanh Arianegroup và Onera, kể từ đầu năm nay đã cùng nghiên cứu về việc sử dụng hydro cho hàng không. Theo Guillaume Faury, việc lựa chọn và hoàn thiện công nghệ sẽ mất 5 năm và sau đó là 2 năm đối với các nhà cung cấp. “Vì vậy, chương trình sẽ được thực hiện vào khoảng năm 2028. Tham vọng của chúng tôi là trở thành nhà sản xuất máy bay đầu tiên đưa một thiết bị như vậy vào hoạt động vào năm 2035”. Theo ông, sẽ cần phải dành cho chương trình này “vài chục tỷ euro”.
Lịch trình này tương ứng với mục tiêu một “máy bay không phát thải carbon”, được chính phủ Pháp đặt ra vào đầu tháng 6, đã có kế hoạch dành 1,5 tỷ euro cho nó vào năm 2022 như một phần trong kế hoạch hỗ trợ cho lĩnh vực hàng không. Các quốc gia đã coi hydro là một trục phát triển chính: Đức có kế hoạch chi 9 tỷ euro để phát triển các ứng dụng hydro, Pháp 7 tỷ euro.
Nh.Thạch theo AFP
https://petrotimes.vn/airbus-tiet-lo-3-mau-may-bay-chay-bang-hydro-579035.html