Đây là giá trị được công bố tại Hội thảo khởi động Dự án Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam do Bộ Công Thương phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức sáng nay 5/3/2018.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, năng lượng và an ninh năng lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Thứ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới. Cụ thể là 10,6%/năm (giai đoạn 2016 – 2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026 – 2030).

Nếu tổng công suất lắp đặt của toàn hệ thống hiện nay là khoảng 45.000 MW thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 60.000 MW và dự kiến lên đến 129.500 MW vào năm 2030. Đây là một thách thức lớn đặt ra với ngành năng lượng trong việc đảm bảo thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.


Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhận định về thực trạng và tiềm năng sử dụng tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực liên tục để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, Quốc hội Việt Nam đã thông qua chủ trương tạm dừng các dự án điện hạt nhân song song với việc đẩy mạnh khai thác các nguồn thuỷ điện quy mô lớn và trung bình. Trong bối cảnh năng lượng tái tạo chưa thể đáp ứng được ngay cho nhu cầu sử dụng lớn do giá thành còn cao thì việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được đánh giá là giải pháp có tính kinh tế cao, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nguồn năng lượng của quốc gia.

Theo thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Việt Nam hiện nay vẫn còn là một trong những quốc gia có cường độ sử dụng năng lượng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng quốc gia, các ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 47,3% tổng năng lượng sử dụng cuối cùng. Tăng trưởng công nghiệp là một trong những yếu tố chính làm cho cường độ năng lượng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao so với các nước trên thế giới.

Ông Ousmane Dione – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho biết, hiện nay Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng năng lượng nhiều nhất khu vực Đông Á, với tỉ lệ sử dụng năng lượng trên GDP là 2/1. “Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch đi xa hơn trong việc xây dựng chính sách tiết kiệm năng lượng một cách mạnh mẽ”, ông Ousmane Dione nhận định.

Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã đạt được thành tựu lớn trong lĩnh vực năng lượng khi lãnh đạo Quỹ Khí hậu Xanh đã phê duyệt viện trợ cho Việt Nam 86 triệu USD trong khuôn khổ Dự án Chia sẻ rủi ro về năng lượng. Đây là khoản vốn không hoàn lại mà Quỹ này hỗ trợ để tăng cường phát triển nhiều hơn các dự án tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

Ông Ousmane Dione – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Chính phủ Việt Nam đang có kế hoạch đi xa hơn trong việc xây dựng chính sách tiết kiệm năng lượng một cách mạnh mẽ”.

Đại diện WB tại Việt Nam cho rằng, không chỉ khu vực nhà nước mà khu vực tư nhân cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghiệp là ngành chủ lực của nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp sử dụng rất nhiều năng lượng phục vụ cho quá trình sản xuất. Việc đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng có thể giúp giảm đáng kể nhu cầu năng lượng ấy với chi phí chỉ bằng khoảng 1/4 chi phí đầu tư thêm nguồn cung cấp năng lượng mới.

Dự án “Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp tại Việt Nam” ra đời trong nỗ lực của Bộ Công Thương và WB trong việc hỗ trợ thực hiện tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp trọng điểm, hướng tới việc cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng ngành công nghiệp trong mục tiêu chung của quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như giảm cường độ năng lượng của nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia. Có thể thấy đây là một trong những nỗ lực mạnh mẽ của Bộ Công Thương và WB trong việc hỗ trợ thực hiện tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp trọng điểm.

Dự án có tổng kinh phí 158 triệu USD, trong đó WB cung cấp 100 triệu USD vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD) nhằm hỗ trợ đầu tư cho các dự án tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và 1,7 triệu USD vốn vay từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) để triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cần thiết trong quá trình thực hiện dự án.

Dự án đã chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2017 và sẽ kéo dài đến hết tháng 7/2022 trong kỳ vọng sẽ giúp xóa bỏ các rào cản, tạo môi trường thuận lợi và bền vững để các doanh nghiệp công nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn tài chính trung và dài hạn để thực hiện các dự án sử dụng hiệu quả năng lượng.


Hội thảo có sự tham dự của gần 300 khách mời là đại diện Bộ, ngành, Ngân hàng Thế giới, Sở Công Thương, các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp, hiệp hội.

Không chỉ triển khai cho vay các dự án về tiết kiệm năng lượng, Dự án còn chú trọng vào hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong các vấn đề như đánh giá, giám sát dự án hay kiểm toán các tiểu dự án vay vốn của doanh nghiệp. WB cũng đưa ra cam kết sẽ tích cực tư vấn đánh giá thực hiện chính sách môi trường và xã hội của dự án nhằm giữ đúng định hướng của Việt Nam là tiết kiệm năng lượng góp phần phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.

Đại diện Bộ Công Thương và WB đều bày tỏ tin tưởng rằng Dự án “Tiết kiệm năng lượng cho ngành Công nghiệp tại Việt Nam” được triển khai sẽ giúp cung cấp một nguồn tài chính tin cậy, ổn định và ưu đãi tới các tổ chức tài chính, doanh nghiệp công nghiệp và các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) để thực hiện các dự án đầu tư vào các giải pháp tiết kiệm năng lượng, đồng thời mong muốn Dự án nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo tapchicongthuong.vn