Anh cho biết quốc gia này sẽ chi khoảng 1,2 tỷ bảng Anh (1,6 tỷ USD) để phát triển siêu máy tính mạnh nhất thế giới về dự báo thời tiết và khí hậu.

Theo ông Alok Sharma, Bộ trưởng Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh, dự án chế tạo siêu máy tính nhằm cải thiện mô hình dự báo thời tiết và khí hậu của cơ quan dự báo chính phủ. Hệ thống siêu máy tính mới này sẽ thay thế siêu máy tính hiện có của Vương quốc Anh, vốn đã là một trong 50 máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay.

“Đầu tư đáng kể của chúng tôi cho một siêu máy tính mới sẽ đẩy nhanh hơn việc dự báo thời tiết, giúp mọi người sẵn sàng hơn cho sự gián đoạn thời tiết, từ việc lên kế hoạch cho các chuyến đi đến việc triển khai phòng chống lũ lụt”, Alok Sharma cho hay.

Kế hoạch phát triển siêu máy tính mạnh nhất của Anh ra đời trong bối cảnh nước này sắp đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào cuối năm. Trước thềm sự kiện này, Thủ tướng Boris Johnson đang tìm cách thể hiện sự lãnh đạo của Vương quốc Anh trong cả nghiên cứu khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu. Chính phủ của ông có kế hoạch sử dụng dữ liệu do máy tính mới tạo ra để thông báo chính sách nhằm tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Vương quốc Anh là nền kinh tế lớn đầu tiên khẳng định họ sẽ loại bỏ khí thải nhà kính vào năm 2050 và với sự giúp sức của siêu máy tính mới.


Ảnh minh họa

Được biết, khi ra đời, siêu máy tính mới giúp chống lại các tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu bằng cách tăng cường sự chuẩn bị cho các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, từ đó giảm thiểu thiệt hại cho nhà cửa và doanh nghiệp. Dữ liệu được tạo ra sẽ giúp chọn các vị trí phù hợp nhất cho việc phòng chống lũ lụt, cho phép các sân bay chuẩn bị tốt hơn cho sự gián đoạn và giúp ngành năng lượng chống lại sự cố mất điện. Nó cũng có thể góp phần giảm khí thải bằng cách cho phép các hãng hàng không tận dụng lợi thế của gió đuôi.

Siêu máy tính mới nói trên sẽ do Cơ quan Khí tượng Anh (Met Office) quản lý, được kỳ vọng sẽ dự báo chính xác hơn các cơn bão, địa điểm có nguy cơ cao xảy ra lũ lụt và dự đoán sớm những thay đổi của khí hậu toàn cầu. Siêu máy tính này cũng sẽ cung cấp thông tin, hỗ trợ các ban quản lý sân bay lên kế hoạch đối phó với nguy cơ gián đoạn hoạt động tiềm tàng, hỗ trợ ngành năng lượng trong phòng ngừa các tình huống tăng và giảm nguồn cung bất ngờ.

Các siêu máy tính hiện nay của Met Office sẽ hết hạn sử dụng vào cuối năm 2022. Dự kiến, trong giai đoạn đầu, siêu máy tính mới sẽ tăng khả năng tính toán và dự báo của Met Office lên gấp 6 lần so với hiện nay.

Trước đó, trong cuộc chạy đua chế tạo siêu máy tính trên thế giới, các chuyên gia Đại học kỹ thuật Moskva mang tên Bauman đề xuất đưa lên quỹ đạo gần Trái đất một siêu máy tính nặng 27 tấn, hoạt động bằng nguồn năng lượng lấy từ pin mặt trời.

Bản thân vệ tinh-siêu máy tính, theo tính toán của các nhà khoa học, cần có trọng lượng gần 27 tấn, được cấp điện từ những tấm pin năng lượng mặt trời và hệ thống trao đổi nhiệt bức xạ. Để vệ tinh luôn luôn được cung cấp đủ năng lượng trong toàn bộ hành trình di chuyển trên quỹ đạo, nó cần được đưa lên độ cao 700 km phía trên bề mặt Trái đất.

Việc chế tạo siêu máy tính này cho phép sử dụng năng lượng mặt trời ngay tại chỗ mà không cần nghiên cứu phương pháp để chuyển năng lượng về Trái đất. Ngoài ra, không giống như việc xây dựng cả một nhà máy trên quỹ đạo đòi hỏi phương tiện để đưa tài nguyên lên và chuyển thành phẩm về Trái đất, việc tạo ra một siêu máy tính bay trên vũ trụ chỉ cần có các kênh liên lạc công suất lớn để truyền thông tin về hành tinh.

Bảo Lâm (Theo Japan Times)
http://vietq.vn/y-tuong-cong-nghe-doc-dao-che-tao-sieu-may-tinh-manh-nhat-the-gioi-de-du-bao-thoi-tiet-d169784.html