13 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng Một 12, 2025
More
    HomeCông nghệ sạchXử lý rác thải nilon bằng công nghệ sinh học

    Xử lý rác thải nilon bằng công nghệ sinh học

    Date:

    Related stories

    Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam vừa được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp 3 Bằng Độc quyền sáng chế về các chế phẩm sinh học phân hủy màng polymer, plastic (chất dẻo) có nguồn gốc khác nhau.

    Các nghiên cứu này đã tạo cơ sở, tiền đề để để các nhà sản xuất có thể sản xuất ra các sản phẩm túi có khả năng phân huỷ sinh học cũng như thiết kế quy trình công nghệ xử lý chất thải có nguồn gốc polymer.

    Theo đó, từ năm 2016, 2017, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (Viện Công nghệ Sinh học) và các cộng sự đã thực hiện đề tài “Đánh giá khả năng phân hủy của các polymer phân hủy sinh học hiện có ở Việt Nam trong các điều kiện xử lý khác nhau”.

    Đề tài được thực hiện với mục tiêu chính là nhằm đánh giá được khả năng phân hủy sinh học của các polymer, chất dẻo do Viện Hóa học – Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam (VAST) cung cấp và các loại túi polymer, chất dẻo đang được sử dụng ở Việt Nam và được quảng cáo là tự phân hủy sinh học trong các điều kiện và các tác nhân khác nhau.


    Các nhà khoa học phân tích các mẫu túi ni-lon sử dụng chế phẩm sinh học để phân huỷ trong phòng Lab.

    Các nhà khoa học đã nghiên cứu các mẫu túi ni-lông được quảng cáo là có khả năng phân hủy sinh học trên thị trường trong nước và nước ngoài, gồm: túi ni-lông của Hà Lan, Đức đã được cấp chứng chỉ phân hủy sinh học, có khả năng ủ làm phân hữu cơ; túi từ đề tài nghiên cứu của Viện Hóa học; túi tại các siêu thị được cấp chứng chỉ thân thiện môi trường, được sản xuất bằng công nghệ nhập khẩu và túi có nguồn gốc dầu mỏ đang được dùng phổ biến hằng ngày tại Việt Nam.

    Để xác định khả năng phân hủy sinh học của những loại túi nêu trên, các nhà khoa học đã sử dụng đa dạng phương pháp kỹ thuật hiện đại, như: sinh học, di truyền, thay đổi cấu trúc hóa học, vật lý…

    Nhóm nghiên cứu đã thiết kế nhiều lô thí nghiệm với nhiều tác nhân sinh học và vật lý để thử mức độ phân hủy của mẫu, như: sử dụng dịch chiết của bốn chủng nấm đảm; sử dụng các chủng vi khuẩn và xạ khuẩn ưa nhiệt được phân lập từ phân hữu cơ làm bằng phụ phế liệu nông nghiệp; sử dụng điều kiện hiếu khí, kỵ khí hay kết hợp cả hiếu khí và kỵ khí; nhiệt độ, độ ẩm tương đồng với môi trường tự nhiên của vùng nhiệt đới từ 10°C đến 60°C; tác dụng tia tử ngoại…

    Sau khi sử dụng 7 tác nhân trong đó 6 tác nhận sinh học là enzyme ngoại bào khác nhau, sau 30 ngày thử nghiệm kết quả cho thấy, trong điều kiện thí nghiệm, túi của Hà Lan, Đức đã bị phân hủy mạnh nhất bởi tất cả các tác nhân, trong đó quan trọng nhất là thay đổi cấu trúc hóa học và khối lượng phân tử trung bình, tổn hao khối lượng (45 đến 46% sau 14 tháng do tác nhân vật lý, và 91% sau 1 tháng do tác nhân sinh học).

    Túi là sản phẩm nghiên cứu của Viện Hóa học có khả năng phân hủy sinh học đứng thứ hai (12 đến 15% đối với tác nhân vật lý sau 14 tháng).

    Còn các loại túi tại các siêu thị được công bố là được cấp chứng chỉ thân thiện môi trường, được sản xuất bằng công nghệ nhập khẩu và túi có nguồn gốc dầu mỏ khả năng phân hủy sinh học rất thấp (chỉ 4,7 đến 6% khối lượng sau 14 tháng).

    Các chất hình thành sau phân hủy các túi khác nhau. Theo các nhà khoa học, kết quả này cho thấy, việc dán nhãn, công bố túi có khả năng phân hủy sinh học là chưa chính xác, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

    PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, chủ nhiệm đề tài, cho biết trước đây, doanh nghiệp sản xuất bao bì có thể chưa biết, nhưng qua kết quả nghiên cứu này, các doanh nghiệp cần nghiêm túc đưa sản phẩm túi ni-lông của mình đi phân tích, đánh giá các tính chất, đặc tính để viết thông tin trên bao bì đúng mức.

    Từ đó, người tiêu dùng có thông tin chính xác khi sử dụng sản phẩm và cơ quan xử lý rác có phương pháp xử lý rác thải nhựa, ni-lông phù hợp, hiệu quả.

    Điều đáng mừng là, ngay sau khi kết quả được công bố, một số doanh nghiệp sản xuất túi ni-lông đã tìm đến các nhà khoa học, nhờ giúp đỡ để xác định túi ni-lông đang sản xuất có khả năng phân hủy hay không.

    “Việt Nam có lợi thế là nắng nhiều lên với công nghệ sinh học là các enzymer có nguồn gốc tự nhiên và ưa nhiệt nên công nghệ này rất phù hợp để nhân rộng và phát triển” PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà chia sẻ.

    Về định hướng nghiên cứu và quản lý, các nhà khoa học đề nghị, VAST và Bộ Khoa học và Công nghệ cần cho nghiên cứu tiếp để tìm kiếm mới vật liệu di truyền từ Việt Nam (là vi sinh vật) và sử dụng các tác nhân mà đề tài đã chứng minh để tạo công nghệ hướng tới xử lý rác thải nhựa, chất dẻo có khả năng phân hủy sinh học.

    Các chế phẩm mà đề tài đã tạo ra cần được cho phép thử nghiệm xử lý rác thải nhựa, chất dẻo ở quy mô lớn dần. Các đơn vị có thẩm quyền quản lý lĩnh vực rác thải, trong đó có rác thải sinh hoạt cần chủ động đề nghị Nhà nước đầu tư phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn để đánh giá và cho phép các loại nhựa, chất dẻo nào được sử dụng làm vật liệu phân hủy sinh học, góp phần giảm tác động xấu đến môi trường.

    Theo Khánh Ly (moitruong.com.vn/Congthuong)

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img