Bán ra thị trường vào năm 2018 với mục đích thay thế xăng A92, xăng E5 hiện nay đang có tỷ trọng tiêu thụ ngày càng giảm do chênh lệch giá bán giữa xăng A95 và xăng E5 không lớn, trong khi người tiêu dùng lại chưa thực sự hiểu đúng về sản phẩm này.
Theo Saigon Petro, tỷ trọng tiêu thụ xăng E5 đã ngày càng giảm, từ 30,06% (2018) giảm còn 22,65% (2019), và bảy tháng đầu năm 2020 chỉ còn 16,95%.
Vậy xăng A92 và A95 (xăng khoáng thông thường, gọi tắt là xăng thường) so với E5, E10 (xăng sinh học) có gì khiến người tiêu dùng vẫn còn mặn mà đến vậy?
Dù nhiều ưu điểm nhưng xăng sinh học E5 vẫn chật vật tìm chỗ đứng trên thị trường.
Trước hết, 92 hay 95 là trị số Octan trong xăng, được dùng để đánh giá tính chống kích nổ của xăng. Sử dụng xăng trị số Octan cao không hề giúp động cơ khỏe hay tiết kiệm xăng hơn mà chỉ đơn giản là phù hợp với tỷ số nén của động cơ. Thông thường, xe số sẽ sử dụng xăng A92 còn xe ga sẽ đổ xăng A95.
Còn xăng sinh học là hỗn hợp của xăng truyền thống và cồn sinh học (bioethanol) được sử dụng cho các loại động cơ xăng đốt trong như xe ô tô và xe gắn máy. Theo kết quả nghiên cứu, việc sử dụng xăng sinh học giúp giảm phát thải khí nhà kính (carbon monoxide) khoảng 20-30% so với xăng thông thường, việc sản xuất ethanol dùng trong xăng sinh học cũng rất thân thiện với môi trường.
Việt Nam hiện nay chủ yếu sản xuất ethanol thu mua từ nguồn sắn lát của người nông dân. Sau đó, các nhà máy ethanol sẽ sản xuất ra xăng sinh học bằng cách pha trộn bằng máy móc giữa ethanol với xăng khoáng thông thường theo tỷ lệ 5% (E5), 10% (E10) hay lên tới 85% (E85).
Trên thế giới, hơn 50 nước đã sử dụng xăng sinh học, dẫn đầu là Mỹ từ năm 2012 (trên 90% ethanol nhiên liệu được pha xăng E10) và Brazil từ năm 2003 (bắt buộc sử dụng E22 đến E25), Úc từ năm 2008 (E10), Đức từ năm 2010 (E5, E10), Thái Lan bắt buộc sử dụng E5, E10 và đã giới thiệu E85 từ năm 2008…
Việc sử dụng xăng sinh học ngoài mục đích bảo vệ môi trường còn giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, trong bối cảnh dầu mỏ có nguy cơ cạn kiệt vì khai thác mạnh trong vòng 10 năm qua.
Hiện tại với xăng E5 thì việc sử dụng xen kẽ xăng sinh học và xăng thường không có ảnh hưởng gì đến động cơ, theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực, Trưởng phòng thí nghiệm Động cơ đốt trong, trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Dù vậy, xăng E5 vẫn gây hại cho động cơ xe máy có tuổi đời cao, linh kiện bên trong đã cũ hoặc kém chất lượng. Với các dòng xe sản xuất từ năm 1993 trở lại đây thì tính axit của xăng E5 không có ảnh hưởng gì đến động cơ.
Ngoài ra, một nhược điểm chính của xăng sinh học là tính ngậm nước, do đó quá trình từ lúc nhập xăng đến đổ xăng E5 phải hết sức cẩn trọng với nước. Tương tự, nếu xe không được dùng trong vòng 3 tháng gần nhất trước khi đổ thì không nên dùng E5 ngay do thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam dễ làm tích tụ nước trong bình xăng.
Khó khăn chính trong tiêu thụ E5 trên thị trường hiện nay là các nhà sản xuất phải đầu tư dây chuyền nhà máy hiện đại trong khi đầu ra chưa hấp dẫn người tiêu dùng như đã nói ở trên. Dẫn đến hệ quả là cả nước có 7 nhà máy nhưng chỉ hoạt động cầm chừng cũng đã đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành văn bản với các quy chuẩn cho việc phân phối xăng sinh học E10 tại các cửa hàng xăng dầu, tiến tới sử dụng trong các phương tiện cơ giới đường bộ. Trên thế giới, loại xăng phổ biến được dùng là E10, có nước đã thử nghiệm E85 dù vẫn còn rất hạn chế do cần động cơ chuẩn FFV để vận hành.
Sử dụng nhiên liệu thay thế không chỉ là xu hướng thế giới, nó còn giúp bảo vệ môi trường, tạo dư địa cho phát triển nông nghiệp, giảm phát thải khí nhà kính. Qua đó cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ trong việc giảm 5% lượng tiêu thụ xăng trong giao thông vận tải so với dự báo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của ngành đến năm 2030.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam hiện có gần 2.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực xăng dầu, trong đó tiêu chuẩn ISO có 636 tiêu chuẩn, tiêu chuẩn ASTM có 821 tiêu chuẩn và tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện có 325 tiêu chuẩn với mức hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt 55%.
GS. TS Đinh Thị Ngọ, Giảng viên cao cấp trường Đại học Bách khoa Hà Nội – Trưởng Ban kỹ thuật TCVN/28 – sản phẩm dầu mỏ và chất bôi trơn cho biết, đến nay Việt Nam đã xây dựng được tiêu chuẩn cho nhiên liệu sinh học E5 và xăng E10, cũng như nhiên liệu Đi-ê-zen đã có B5 và chuẩn bị có B10. “Đây là những tiêu chuẩn tiên tiến phù hợp với các nước trên thế giới. Các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn này đảm bảo sạch và không ô nhiễm môi trường, đồng thời đáp ứng được tiêu chuẩn ít nhất là Euro 4 trở lên”, bà Ngọ cho biết.
Thanh Hà
http://vietq.vn/xang-e5-nguoi-tieu-dung-hieu-sao-cho-dung-d178924.html