Mới đây, Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã đưa ra Báo cáo về vấn đề rác thải nhựa, trong đó cảnh báo, đến năm 2030, sẽ có thêm 104 triệu tấn rác thải nhựa có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái, nếu như không có giải pháp hiệu quả. Việt Nam được xem là một trong những quốc gia thải ra biển lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới.

Theo WWF, lượng rác thải nhựa hiện đang hủy hoại môi trường, tàn phá hệ sinh thái và các loài động, thực vật thủy sinh. Báo cáo cho biết, có hơn 270 loài bị tổn thương do vướng phải rác thải nhựa và 240 loài được ghi nhận là nuốt phải rác nhựa, nhất là các mẩu vụn. Đồng thời, Báo cáo cũng chỉ rõ, lượng rác thải ngày càng tăng, trong khi công tác quản lý rác thải chưa hiệu quả, càng làm gia tăng lượng phát thải khí ra môi trường. Dự đoán, đến năm 2030, tổng lượng phát thải khí CO2 theo vòng đời của nhựa sẽ tăng 50% và lượng khí CO2 thải ra cũng tăng gấp 3 lần do việc đốt rác thải.

Rác thải nhựa hiện đang hủy hoại môi trường, tàn phá hệ sinh thái và các loài động, thực vật thủy sinh.

Ngoài ra, Báo cáo cũng chỉ ra rằng, hiện nay, trách nhiệm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa chủ yếu thuộc về người tiêu dùng và cơ quan quản lý rác thải, những nỗ lực này sẽ không hiệu quả trừ phi tất cả các bên liên quan đến hoạt động quản lý, sản xuất và thải bỏ các sản phẩm nhựa cùng hành động.

Tại cuộc họp UNEA, WWF sẽ kêu gọi các quốc gia đàm phán về một hiệp định quốc tế có tính pháp lý về ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Hiệp định này cần xác định các mục tiêu quốc gia và có một hệ thống báo cáo minh bạch để các doanh nghiệp có thể áp dụng. Thêm vào đó, hiệp định cần có quy định về hỗ trợ tài chính và kỹ thuật đối với các quốc gia có thu nhập thấp.

Phương Tâm/tapchimoitruong.vn