24.4 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng Một 20, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngVô tình làm vỡ nhiệt kế, làm thế nào để tránh nhiễm...

    Vô tình làm vỡ nhiệt kế, làm thế nào để tránh nhiễm độc thủy ngân?

    Date:

    Related stories

    Hầu hết các tủ thuốc gia đình đều có một chiếc nhiệt kế. Tuy nhiên, những loại nhiệt kế làm bằng thủy tinh rất dễ vỡ và thủy ngân có thể gây nhiễm độc cho người sử dụng.

    Hầu hết các tủ thuốc gia đình đều có một chiếc nhiệt kế. Tuy nhiên, những loại nhiệt kế làm bằng thủy tinh rất dễ vỡ và thủy ngân tràn ra có thể gây nhiễm độc cho người sử dụng, rất nguy hiểm đối với sức khỏe. Thủy ngân là kim loại nặng rất độc. Đặc biệt não là cơ quan nhạy cảm nhất, bệnh nhân có thể bị mù, run, kích thích, mất trí nhớ, các rối loạn tâm thần khác,…

    Khi nhiệt kế thủy ngân bị vỡ, thủy ngân sẽ trào ra, tạo thành các hạt thủy ngân nhỏ lăn tròn trên đất. Nó không tan trong nước và có thể bốc hơi tương đối dễ dàng ở nhiệt độ phòng. Vì vậy, để tránh ngộ độc khi thủy ngân bốc hơi, điều quan trọng nhất là phải nhanh chóng đưa trẻ và người thân đến khu vực an toàn. Sau đó thay quần áo cũ, đeo găng tay cao su, khẩu trang y tế và bắt đầu thu dọn thủy ngân. Tuyệt đối không được dùng máy hút do thủy ngân dễ bay hơi ở nhiệt độ nóng và dễ xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Các hạt thủy ngân cần được gạt hoặc quét sạch càng sớm càng tốt và thu gom loại bỏ như khi loại bỏ các chất độc hại với môi trường.

    Thủy ngân trào ra tạo thành các hạt tròn nhỏ. Ảnh minh họa

    Dùng chổi gạt bằng cao su hoặc miếng bìa cứng để thu nhặt các giọt thuỷ ngân còn vương vãi trên sàn có thể phát hiện được. Để đảm bảo không nhặt sót, nên dùng thêm đèn pin, soi sát sàn nhà và tìm kiếm kĩ càng. Động tác khi thu gom thủy ngân phải hết sức nhẹ nhàng để tránh các hạt thủy ngân phân li thành các hạt nhỏ hơn, gây khó khăn cho việc thu dọn.

    Có thể dùng thêm bột lưu huỳnh để hấp thu những giọt thuỷ ngân nhỏ. Bột lưu huỳnh sẽ bị đổi màu từ vàng sang nâu khi phản ứng với thủy ngân, do đó sẽ dễ phát hiện khu vực nào có thủy ngân và dễ dàng dọn sạch hơn. Nếu không có lưu huỳnh có thể thay bằng lòng đỏ trứng gà, cũng mang lại hiệu quả tương tự.

    Thu dọn xong phải mở cửa để phòng ốc thông thoáng trong vài giờ mới quay trở lại sinh hoạt như bình thường.

    Sau khi thu hồi thủy ngân, lọ thủy tinh chứa thủy ngân phải được bịt kín, bọc nhiều lớp nylong, dán băng dính và ghi chú rõ bằng nhãn ở bên ngoài rồi mới để trong thùng rác phân loại. Tuyệt đối không được đổ thủy ngân đã thu dọn xuống các cống rãnh vì sẽ làm ô nhiễm nguồn nước.

    Tốt hơn hết nên bỏ bộ quần áo sau khi dọn dẹp thủy ngân vì thủy ngân có thể đã bám vào quần áo. Nếu vẫn muốn sử dụng, cần giặt thật sạch với xà phòng, ngâm nước kỹ trong vài giờ và xả lại nhiều lần với nước lạnh.

    Nếu không may trẻ có dấu hiệu ngộ độc thủy ngân như: Viêm phổi nặng, mất trí nhớ, lơ mơ, co giật, nôn ói, viêm ruột thì nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị.

    Để hạn chế nguy cơ ngộ độc thủy ngân do làm vỡ nhiệt kế, tốt nhất nên cất giữ nhiệt kế ở nơi an toàn sau khi sử dụng nhiệt kế, tránh xa tầm tay của trẻ em, không cho trẻ ngậm nhiệt kế, nếu có điều kiện nên chuyển sang sử dụng nhiệt kế điện tử vì cho kết quả nhanh, chính xác và an toàn.

    Thu Phương (T/h)
    https://vietq.vn/vo-tinh-lam-vo-nhiet-ke-lam-the-nao-de-tranh-nhiem-doc-thuy-ngan-d197323.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img