Bữa sáng khởi động quá trình trao đổi chất giúp đốt cháy calo, cung cấp năng lượng cần để hoàn thành công việc. Đó là một trong những lý do tại sao bữa sáng được xem là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.

Chị Thúy (Đống Đa, Hà Nội) có thói quen gộp bữa sáng thành bữa trưa trong nhiều năm do dậy muộn. Là nhân viên công nghệ thông tin, chị làm thêm nhiều việc, thường xuyên thức đến ba giờ sáng. Hôm sau, chị dậy sát giờ làm, đến công ty ngồi họp, xử lý các nhiệm vụ, nhìn lên đồng hồ đã gần trưa, nên “bấm bụng” đợi đến 11h30 xuống căng tin ăn cùng đồng nghiệp.

Trong thời gian khoảng ba tháng, nữ nhân viên hay đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, trào ngược, ăn không ngon miệng, da xanh xao, nhiều đêm mất ngủ. Chị đến Bệnh viện Đại học Y kiểm tra, được chẩn đoán viêm dạ dày, HP, trào ngược do thường xuyên thức khuya, sinh hoạt thất thường.

Một trường hợp khác, chị Bích Ngọc (30 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) có công việc thoải mái giờ giấc nên thời gian ăn sáng cũng vô chừng. Chị hay dậy sớm làm việc trên máy tính, chat với bạn bè, đối tác. Đến khi bụng đói cồn cào và cảm giác không còn năng lượng làm gì nữa, chừng 9 giờ mới đặt đồ ăn sáng trên ứng dụng giao thức ăn. Hoặc chị ăn qua loa bánh ngọt, vài hạt mắc ca. Vì ăn sáng trễ và thất thường, chị nói mình thường xuyên rơi vào trạng thái hết sạch năng lượng. Làm việc sáng đến trưa xong là chỉ muốn nằm, buổi chiều uể oải.

Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3, một số nhóm người nếu bỏ qua bữa sáng có thể gặp vấn đề về sức khoẻ. Bữa sáng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng giúp cải thiện sức khỏe và hạn chế mắc phải các loại bệnh lý liên quan. Tất cả mọi người đều không nên bỏ bữa sáng, đặc biệt với một số nhóm người có vấn đề sức khoẻ.


Bỏ bữa ăn sáng sẽ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể. (Ảnh minh họa).

Tương tự, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nhiều người xem bữa sáng chỉ là phụ nên thường xuyên bỏ qua. Về nguyên lý, sau khi kết thúc bữa tối, qua một đêm đến 6 giờ sáng hôm sau là khoảng 10-12 tiếng dạ dày “trống rỗng”, chưa kể phải chuẩn bị năng lượng cho cả một ngày làm việc mới nên cần được bổ sung năng lượng.

Nếu bỏ ăn sáng, cơ thể không có nguồn cung năng lượng, buộc phải huy động lượng đường và protein dự trữ, làm tăng quá trình lão hóa. Trong khi đó, vào buổi tối, mọi người ít hoạt động nhưng tiêu thụ nhiều thực phẩm sẽ khiến lượng mỡ tích tụ ngày càng nhiều, dẫn đến thừa cân – béo phì.

Chuyên gia khuyến cáo mọi người nên duy trì chế độ ăn cân đối và đầy đủ dinh dưỡng, ăn đủ bữa và đúng giờ, kiểm soát khẩu phần ăn. Nên dùng bữa sáng trước 8h hoặc sau khi thức dậy 30 phút đến một tiếng. Bữa ăn sáng cần đầy đủ, cân đối dinh dưỡng, gồm protein trong ngày, tinh bột, chất đạm, chất béo, trái cây và rau củ.

Hạn chế đường và thực phẩm chế biến sẵn. Kiểm soát lượng dầu mỡ. Hạn chế ăn sáng bằng bánh ngọt, nhiều đường, hoặc sử dụng lại thức ăn thừa.

Bữa sáng món gì, bao nhiêu là hợp lý?

Bữa ăn sáng cần đầy đủ, cân đối chất béo, chất xơ, chất khoáng và vitamin. Ngoài chiếm 1/4 – 1/3 lượng protein trong ngày, bữa sáng còn cần thêm một trong những thành phần: tinh bột, chất đạm, chất béo, trái cây và rau củ.

Mỗi ngày, cơ thể chúng ta cần trung bình 2.000 – 2.500 calo. Bữa sáng chiếm 400 – 500 calo. Lượng calo bữa sáng phải cân bằng, không nên nạp quá nhiều dễ gây cảm giác no, mất sự tập trung… Trứng, sữa, đậu nành, cá, thịt, ngũ cốc… là thực phẩm lý tưởng cho bữa sáng người trưởng thành. Ở Việt Nam, rất nhiều món ăn sáng đủ chất như bánh mì, xôi, bún, phở, hủ tiếu…

Thanh Hiền (t/h)

https://vietq.vn/Vi-sao-khong-nen-bo-bua-sang-d226129.html