Nhiều người có thói quen giữ lại cơm nguội để dùng cho bữa sau mà không biết rằng nếu bảo quản và hâm nóng không đúng cách, món ăn tưởng chừng vô hại này có thể trở thành “ổ vi khuẩn”, gây ngộ độc thực phẩm.
Trong nhịp sống bận rộn, nấu ăn dư thừa là điều khó tránh. Cơm nguội có lẽ là món thường xuyên được giữ lại cho bữa sau, hay tận dụng chế biến thành cơm rang, cơm trộn, cơm cháy. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng nếu bảo quản sai cách, cơm nguội có thể gây hại cho hệ tiêu hóa, thậm chí dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Theo các chuyên gia an toàn thực phẩm, cơm nguội nên được dùng lại trong vòng 1-2 ngày, dù có thể bảo quản tối đa 3–5 ngày trong ngăn mát tủ lạnh. Đặc biệt, vi khuẩn Bacillus cereus – tồn tại phổ biến trong gạo có thể sống sót sau khi nấu chín và phát triển mạnh khi cơm để ở nhiệt độ phòng quá lâu hoặc làm nguội sai cách.
Vi khuẩn này không chỉ gây nôn mửa, tiêu chảy mà còn tạo ra độc tố không bị phá huỷ khi hâm nóng, tức là kể cả khi bạn đun lại cơm sôi sùng sục, rủi ro vẫn tồn tại nếu cơm đã bị nhiễm khuẩn từ trước. Do đó, vấn đề không chỉ nằm ở việc “để trong tủ lạnh bao lâu”, mà còn ở cách làm nguội và cất trữ ngay sau bữa ăn.
Ngay sau khi ăn xong, nếu còn dư cơm, bạn cần để cơm nguội nhanh chóng ở nhiệt độ phòng – nhưng không quá 1 tiếng. Có thể trải cơm ra đĩa lớn hoặc khay sạch để tăng diện tích tiếp xúc không khí, giúp hạ nhiệt nhanh. Tuyệt đối không đậy kín khi cơm còn nóng, vì điều này giữ lại độ ẩm – môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi.
Ảnh minh họa.
Khi cơm đã nguội hẳn, hãy cho vào hộp kín có nắp đậy – ưu tiên loại thủy tinh hoặc nhựa chuyên dụng cho tủ lạnh. Tránh để cơm hở trong nồi hoặc bát vì dễ nhiễm mùi, vi khuẩn từ thực phẩm khác. Sau đó, cất cơm vào ngăn mát tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 4°C, tuyệt đối không để ở cánh cửa tủ, nơi nhiệt độ dao động liên tục do đóng mở thường xuyên.
Nếu muốn sử dụng lại cơm nguội, hãy hâm nóng kỹ (đảm bảo nhiệt độ ít nhất 75°C ở giữa phần cơm), nên cho thêm chút nước khi hâm để tránh cơm quá khô. Tuy nhiên, không nên hâm lại quá nhiều lần – mỗi lần hâm là thêm một lần nguy cơ nhiễm khuẩn nếu xử lý không đúng.
Dù một số nghiên cứu cho thấy cơm nguội chứa kháng tinh bột (resistant starch) có lợi cho đường huyết và hệ tiêu hóa nhưng lợi ích này không đủ bù lại nguy cơ nếu cơm đã bị nhiễm khuẩn. Với trẻ nhỏ, người già, người có bệnh tiêu hóa hoặc hệ miễn dịch yếu, ăn cơm nguội sai cách dễ gây đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy.
Các chuyên gia khuyến cáo, nên ăn cơm nguội tối đa 1–2 bữa/ngày, không kéo dài trong nhiều ngày liên tiếp. Sau 3 ngày, dù cơm không có dấu hiệu lạ cũng nên bỏ đi thay vì tiếc của – vì vi khuẩn không mùi, không màu và không chừa ai.
Đừng tin rằng tủ lạnh là nơi “bảo tồn thực phẩm” vô thời hạn. Với cơm nguội, thời gian, nhiệt độ và quy trình bảo quản chính là chìa khóa an toàn. Một phút chủ quan có thể đổi lại cả ngày vật vã vì ngộ độc. Hãy xử lý phần cơm dư một cách thông minh, hoặc tốt hơn: nấu vừa đủ để khỏi phải ăn lại.
Theo Thanh Hiền (t/h)
https://vietq.vn/vi-sao-com-nguoi-de-trong-tu-lanh-co-the-gay-ngo-doc-d235500.html