Theo các bác sĩ, cam thảo làm thức uống giải nhiệt rất tốt tuy nhiên nếu sử dụng thường xuyên sẽ có nguy cơ gây hại sức khỏe.
Theo Bệnh viện Medlatec, trong số những vị thuốc đông y thì cam thảo là loại phổ biến và được biết đến nhiều nhất. Chúng xuất hiện trong đời sống thường ngày, là thành phần trong các loại đồ uống, gia vị.
Cam thảo là một vị thuốc được dùng trong cả Đông y và Tây y. Cây cam thảo được dùng phần thân và rễ phơi khô để làm thuốc. Cam thảo có vị ngọt nhẹ, thơm, tính bình nên từ xa xưa đã được dùng để đun nấu các loại đồ uống thơm ngọt và giải nhiệt. Cho đến nay, cam thảo vẫn được dùng rất phổ biến trong những loại trà giải nhiệt cơ thể có hương vị thơm ngon, kích thích vị giác. Cây cam thảo có chứa axit glycyrizic thành một loại thành phần hóa học có rất nhiều tác dụng trong hỗ trợ và điều trị bệnh.
Trong rễ cam thảo có chứa nhiều chất chống oxy hóa, các chất này tham gia vào quá trình chống lại gốc tự do, chống lại sự hình thành của các tế bào gây ung thư. Vậy nên, từ rất lâu, cam thảo đã được dùng làm vị thuốc phổ biến trong những loại đồ uống có lợi đối với sức khỏe.
Cam thảo có thành phần tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, có tác dụng tốt đối với những trường hợp nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Chất glycyrizin từ rễ cam thảo còn được biết đến là rất tốt trong điều trị hen suyễn. Ngoài ra, cam thảo còn có rất nhiều tác dụng khác đối với sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh. Đây là vị thuốc được kết hợp với rất nhiều những bài thuốc Đông y chữa bệnh. Đồng thời được dùng làm nguyên liệu chiết xuất cho những loại thuốc Tây y hiện đại.
Không nên dùng cam thảo giải nhiệt hàng ngày vì những rủi ro cho sức khỏe. Ảnh minh họa
Dùng thường xuyên cam thảo để giải nhiệt có thể khiến đàn ông ‘bất lực” trong khi yêu
Cam thảo tươi và khô đều có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe, đặc biệt là ứng dụng trong những bài thuốc điều trị bệnh. Nhiều người Việt sử dụng cam thảo làm thức uống giải nhiệt hằng ngày. Tuy nhiên việc sử dụng cam thảo không đúng cách hoặc thường xuyên sẽ gây ra những nguy cơ có hại cho cơ thể, thay vì tác dụng với sức khỏe. Nếu dùng cam thảo thời gian dài sẽ làm giảm lượng testosterone, gây bất lực cho nam giới, đồng thời làm giảm miễn dịch, gây phù toàn thân, tăng huyết áp và viêm loét dạ dày…
Anh Nguyễn Văn N., 35 tuổi (ngụ tỉnh Hải Dương), nghi bị viêm gan do vi rút. Nghe nói cam thảo có tác dụng giúp bảo vệ gan trong việc ngừa viêm gan, làm mát gan, giải độc tố… nên vợ anh mua về dùng làm nước uống cho cả nhà. Được một thời gian, vợ anh thấy nhu cầu sinh lý của chồng giảm dần, trong khi anh chị đang muốn có con thứ hai. Chờ mãi không có “kết quả”, đi khám thì thấy chất lượng “tinh binh” của anh giảm rõ rệt. Các bác sĩ đều không tìm ra nguyên nhân, chỉ khi đến bác sĩ Đông y anh mới biết, do uống quá nhiều nước cam thảo.
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam) cho biết, cam thảo được dùng nhiều cùng nhân trần, lá vội, nụ vội, các loại trà thảo dược… cho dễ uống, giải độc, mát gan. Đặc biệt, nhiều người bị béo phì hoặc các bệnh bị kiêng đường còn sử dụng cam thảo làm chất ngọt thay đường, cho thế là tốt cho sức khỏe mà không biết nếu sử dụng hằng ngày lại có hại.
“Nam giới muốn có đời sống tình dục khỏe mạnh chớ nên dùng nhiều cam thảo. Bởi đây chính là nguyên nhân hạ testosterone. Mức testosterone thấp có thể ảnh hưởng tới sinh lực và thậm chí làm tăng nguy cơ các vấn đề về sinh lý” – ông Trung nhấn mạnh.
Còn theo Ủy ban châu Âu đã đưa ra khuyến cáo, nam giới không nên tiêu thụ quá 100mg AG mỗi ngày (tương đương 0,3g rễ cam thảo khô), bởi chất glycyrrhizine có trong cam thảo làm giảm lượng nội tiết tố nam testosteron.
Trong cam thảo chứa glycyrrhizine có thể gây nhiễm độc ở liều lượng nhiều
Một nghiên cứu đã công bố với 20 nam giới khỏe mạnh uống chất chiết xuất từ rễ cây cam thảo (tương đương với 400mg axit glycyrrhizic) mỗi ngày trong 10 ngày. Chính chất này làm cho cam thảo có vị đặc biệt, được sử dụng trong các phương thuốc thảo mộc phổ biến, một số tân dược, thuốc lá và được tìm thấy trong kẹo, kem đánh răng.
Đặc biệt, một số kẹo cao su có thể chứa tới 24g axit glycyrrhizic, trong khi một số loại chè thảo mộc chứa tới 450mg/l. Sau 10 ngày, các nhà nghiên cứu lấy máu của những người này để xét nghiệm thì thấy hormone giới tính nam của những người này thấp hơn nhiều so với bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, cho biết cam thảo là một vị thuốc bổ khí, có tác dụng nâng đỡ chân khí trong cơ thể, chống suy nhược, mệt mỏi.
Trong phương thuốc cổ truyền, cam thảo là vị thuốc lành, giữ vai trò là “tá”, nghĩa là có tác dụng dẫn thuốc vào kinh, cho nên mới nói “thập phương cửu thảo” (hàm ý nhiều đơn thuốc đông y dùng cam thảo).
Theo đông y, cam thảo có tính vị bình hòa, có công dụng bổ hư tổn, thông 12 kinh mạch, giải trừ độc tính và điều hòa các vị thuốc… Thế nhưng, nếu sử dụng cam thảo lâu, nhất là dùng thay đường sẽ gây độc: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt và phù thũng. Đặc biệt, cam thảo có tính giữ nước, gây phù thũng nên dùng thường xuyên sẽ gây hại thận.
Trong cam thảo có chứa 6-14%, cá biệt có loại chứa đến 23% glycyrrhizine, là chất có vị ngọt gấp 50 lần đường saccaroza, khi qua đường miệng có độc tố yếu.
Các nghiên cứu cho thấy, liều lượng gây chết ở chuột là 5g/kg thể trọng. Cho chuột hấp thu nhiều chất này (1g/kg/ngày) có hiện tượng tăng huyết áp, khát, tăng khả năng giữ nước, giữ muối, đôi khi có tổn thương ở thận và hệ tim mạch. Nếu dùng nhiều hơn 5g glycyrrhizine một lúc gây chứng rối loạn cơ và rối loạn nhịp tim. Người bị bệnh gan khi sử dụng cam thảo thì các triệu chứng trên rõ nét hơn.
Chất glycyrrhizine trong cam thảo là nguyên nhân gây ra các triệu chứng nhiễm độc như nhức đầu, tăng huyết áp, uể oải, giữ nước và natri, tăng bài tiết kali và đôi khi dẫn đến tim ngừng đập. Phụ nữ ăn nhiều cam thảo (khoảng 0,2mg/ngày) có nguy cơ bị cao huyết áp dẫn đến đột quỵ.
“Ngoài ra, việc hấp thu nhiều glycyrrhizine trong cam thảo sẽ gây sụt giảm kali, dẫn đến xương yếu, dễ gãy. Vì thế, không nên dùng cam thảo khi bị rối loạn chức năng gan, yếu thận, cao huyết áp, sẩy thai…
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/uong-nhieu-cam-thao-giai-nhiet-co-nguy-co-nhiem-doc-va-dan-ong-bat-luc-d209484.html