Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, nếu lạm dụng thuốc ngủ người bệnh có nguy cơ bị giảm trí nhớ.

Lạm dụng thuốc ngủ có thể gây giảm trí nhớ, té ngã

Cụ thể, các nhà khoa học Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston đã so sánh một nhóm khoảng 200 phụ nữ được dùng thuốc để điều trị các vấn đề về giấc ngủ với hơn 400 phụ nữ có vấn đề về giấc ngủ nhưng không dùng thuốc; phát hiện ra rằng, thuốc ngủ dường như không có lợi khi sử dụng lâu dài. Sau một hoặc hai năm dùng thuốc ngủ, những phụ nữ trong nhóm dùng thuốc, không ngủ ngon hơn hoặc lâu hơn những người không dùng thuốc.

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Daniel Solomon, tại Brigham and Women’s, cho biết: Việc sử dụng thuốc ngủ lâu dài không có lợi ích rõ ràng đối với các vấn đề về giấc ngủ mãn tính.


Tránh lạm dụng thuốc ngủ. Ảnh minh họa

Phát hiện này xuất phát từ cơ sở dữ liệu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đã theo dõi hàng nghìn phụ nữ để xem tuổi trung niên và mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần và thể chất của họ.

Theo các nhà khoa học, thời kỳ mãn kinh là khi phụ nữ ngừng sản xuất một số nội tiết tố nữ và không còn kinh nguyệt. Đây được biết đến là nguyên nhân gây mất ngủ. Nhiều phụ nữ gặp vấn đề về giấc ngủ trong những năm tiền mãn kinh và mãn kinh. Các vấn đề về giấc ngủ, chẳng hạn như thức dậy quá sớm và khó ngủ thường được báo cáo.

Tất cả những phụ nữ trong nghiên cứu đều báo cáo về chứng rối loạn giấc ngủ. Một số dùng thuốc và một số thì không. Các loại thuốc ngủ thường được kê đơn bao gồm benzodiazepine và “thuốc Z” như zolpidem (Ambien) và eszopiclone (lunesta)… Một số loại được dùng để thúc đẩy cơn buồn ngủ trong khi những loại khác chủ yếu được sử dụng để làm dịu lo lắng.

Tiến sĩ Fariha Abbasi-Feinberg, thành viên của Học viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ cho biết, những loại thuốc này hoạt động bằng cách thay đổi nồng độ hóa chất dẫn truyền thần kinh trong não, giúp bạn tỉnh táo vào ban ngày và thư giãn vào ban đêm.

Giống như hầu hết các loại thuốc, thuốc ngủ cũng gây ra một số bất lợi nhất định như: Buồn ngủ vào ban ngày; các vấn đề về thăng bằng hoặc bị ngã (đặc biệt là khi một người dùng thuốc thức dậy vào nửa đêm để đi vệ sinh); phụ thuộc thuốc; giảm trí nhớ…

TS Solomon khuyến cáo, chỉ nên dùng thuốc ngủ ngắn hạn trong khoảng 1 tuần. Vấn đề quan trọng là cải thiện vệ sinh giấc ngủ để khắc phục các vấn đề về giấc ngủ đang diễn ra: Hạn chế sử dụng caffeine trong ngày; hạn chế sử dụng màn hình trong giờ đi ngủ…

Nhờn thuốc

Thuốc ngủ có tác dụng ức chế hoạt động thần kinh, gây ra trạng thái buồn ngủ cho cơ thể. Do đó, nhiều người mất ngủ đã tự tìm tới các thuốc này bất chấp những khuyến cáo ảnh hưởng tới não bộ cũng như những hệ lụy khác khi lạm dụng thuốc.

Nhiều người có thói quen tự mua các loại thuốc an ngủ và tự ý sử dụng không đúng liều lượng. Hành động này không chỉ làm giảm tác dụng của thuốc, mà còn dễ gây ra hiện tượng nhờn thuốc.

Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp sử dụng các loại thuốc an thần trị mất ngủ có tác dụng rõ rệt trong thời gian đầu. Tuy nhiên, sau đó, mất ngủ càng trở nên trầm trọng, thậm chí cả khi đã sử dụng thuốc an thần hay sau khi tăng liều sử dụng.

Lệ thuộc thuốc, nghiện thuốc

Ngoài tác dụng gây ngủ, các thuốc an thần còn giúp thư giãn cơ thể. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc không theo chỉ định của bác sỹ, có nguy cơ bị lệ thuộc thuốc. Khi sử dụng các thuốc an thần này, đầu tiên, người bệnh sẽ nhận thấy các tác dụng với chỉ một liều thấp. Sau đó, để đạt được cảm giác dễ chịu ban đầu, người ta phải dần dần tăng liều. Hiện tượng này gọi là dung nạp thuốc. Nhiều thuốc nhóm an thần nhẹ có thể gây ra quá trình dung nạp rất sớm. Bởi vậy, người dùng dễ dàng bị lệ thuộc các thuốc này chỉ sau một thời ngắn. Lệ thuộc thuốc an thần làm người dùng luôn luôn có nhu cầu sử dụng thuốc. Việc ngừng sử dụng hoặc kiểm soát liều dùng là rất khó thực hiện. Hậu quả là, người dùng sẽ gặp nhiều vấn đề khác về sức khỏe, tiền bạc, công việc…

Gây rối loạn hoạt động của não bộ

Rõ ràng, các thuốc an thần có tác dụng trực tiếp tới hệ thần kinh gây ra các tác dụng của thuốc. Trong những trường hợp lạm dụng thuốc an thần, hệ thần kinh trung ương có thể bị ức chế, gây ra những rối loạn trong hoạt động của não bộ.

Nếu tiếp tục sử dụng các loại thuốc an thần thường xuyên còn có thể gây ra trạng thái rối loạn cảm xúc. Do đó, người bệnh có thể bị lo âu, căng thẳng kéo dài, thậm chí là trầm cảm.

Ảnh hưởng hô hấp, tim mạch

Ảnh hưởng của việc lạm dụng các thuốc an thần có thể đặc biệt nguy hiểm trong trường hợp người dùng có các vấn đề về hô hấp hay tim mạch.

Nhiều thuốc đã ghi nhận có khả năng ức chế trung tâm hô hấp. Bởi vậy, cần phải sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ nếu bạn mắc các vấn đề trên.

Nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy, tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim trong nhóm những người thường xuyên sử dụng thuốc ngủ cũng cao hơn đáng kể so với nhóm ít hoặc hiếm khi sử dụng những thuốc này. Mặt khác, số nạn nhân của tai biến mạch máu não cũng cao gấp 3 lần trong nhóm người cao huyết áp trước đó có lệ thuộc thuốc an thần so với nhóm không lệ thuộc. Rõ ràng, lạm dụng thuốc an thần gây ngủ cũng làm tăng nguy cơ tai biến mạch não, tử vong.

Không trị được tận gốc của vấn đề

Người mất ngủ cần phải biết rằng, các thuốc an thần chỉ hỗ trợ làm bạn dễ ngủ, chứ không điều trị được tận gốc. Cần phải xác định được nguyên nhân gây mất ngủ để có những biện pháp điều trị phù hợp. Có nhiều nguyên nhân gây ra mất ngủ. Các nguyên nhân chính là trầm cảm, rối loạn tuần hoàn, huyết áp, lo âu,… Thậm chí có những trường hợp mất ngủ do lạm dụng thuốc an thần trước đó. Với từng nguyên nhân sẽ có những hình thức điều trị cụ thể khác nhau.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/tu-y-lam-dung-thuoc-ngu-co-nguy-co-giam-tri-nho-sang-28-d187328.html