Liệu chúng ta có biết rằng nếu không may uống phải cà phê trộn pin sẽ bị thoái hoá não, giảm trí tuệ. Với những ly cà phê mà tỉ lệ cà phê chỉ từ 20, 10%, thậm chí là 0% sẽ không mang lại tác dụng nào mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
Dưới góc độ sức khoẻ, TS.BS Đặng Thị Xuân, Phó giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai khẳng định với Vietnamnet rằng: “Pin không thể uống được”. Thành phần chủ yếu trong lõi pin là kim loại nặng, khi vào cơ thể sẽ tác động đến toàn bộ hệ thống chuyển hoá, đặc biệt là hệ thần kinh.
Lõi pin Con Ó được ngâm thành dung dịch trộn cùng phế phẩm cà phê.
Pin có nhiều loại nhưng lõi pin carbon là phổ biến nhất. Trong lõi pin carbon ngoài các chất bảo quản, tạp chất, thành phần chủ yếu là kim loại nặng mangan dioxit, sau khi chuyển hóa thành dạng ion, thủy ngân…
Khi vào cơ thể, kim loại nặng sẽ phân bố đến tất cả các cơ quan đích, ảnh hưởng đến trí tuệ, hệ tim mạch, xương, máu… Tùy theo lượng hấp thụ nhiều hay ít, thời gian ngắn hay dài, các triệu chứng sẽ khác nhau song dễ thấy nhất là triệu chứng về thần kinh.
“Với người trẻ là ảnh hưởng đến sự phát triển trí thuệ, ở người lớn sẽ tác động lên các bệnh mạn tính như parkinson và làm thoái hóa não. Ngoài ra còn ảnh hưởng cả não, tim, phổi, thận, suy gan vì kim loại nặng tác động lên toàn bộ hệ thống chuyển hoá chứ không riêng cơ quan nào”, TS Xuân phân tích.
Tuy nhiên đến nay, điều trị ngộ độc kim loại nặng vẫn là bài toán khó, cần nhiều thời gian. Nếu ngộ độc mãn tính, kim loại nặng sẽ lắng đọng, tích tụ trong cơ thể gây suy nhược cơ thể, ảnh hưởng trí tuệ, tay chân co quắp…
Cách nhận biết cà phê sạch qua 4 bước
Theo dayphache, đa số những ly cà phê được phục vụ cho mọi người hiện nay đều chứa những thành phần có hại cho sức khỏe và làm mất giá trị của cà phê như đậu nành, bắp rang cháy, bơ, caramel công nghiệp, dầu công nghiệp, các chất tạo màu… Vậy làm sao để nhận biết được đâu là cà phê sạch và đâu là cà phê chứa hóa chất?
Cà phê là loại thức uống đặc biệt, phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Một ly cà phê mang trong mình tổng hợp những tác dụng của rất nhiều loại thức uống cộng lại như sự kích thích như rượu, chứa năng lượng như sữa và mang lại sự tỉnh táo như trà. Thế nhưng với những ly cà phê mà tỉ lệ cà phê “thật” chỉ từ 20, 10% và thậm chí là 0% thì không những không mang lại tác dụng nào mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người uống. Để nhận biết cà phê “thật” có thể dựa vào những dấu hiệu từ 4 giai đoạn: khi cà phê còn là hạt đã rang, bột cà phê, khi đang pha và khi đã pha.
Khi cà phê đã được rang (dạng hạt)
Nhìn thấy hạt cà phê còn nguyên chưa hẳn đã là dấu hiệu để bạn có thể khẳng định đó là cà phê chất lượng. Bởi trong quá trình rang cà phê thì những vấn đề về độ thơm, màu sắc của hạt có thể được xử lí qua hóa chất mà bạn khó có thể nào phân biệt được. Mùi của hạt cà phê sau khi rang xong nhẹ nhàng chứ không nồng nặc mùi của bơ, caramel hay các hóa chất tạo mùi khác. Tùy vào việc rang vừa hay rang chín mà độ dầu trong hạt cà phê khác nhau, nhưng chỉ là một chút chứ không quá bóng như khi chứa hóa chất.
Nhìn thấy hạt cà phê còn nguyên chưa hẳn đã là dấu hiệu để bạn có thể khẳng định đó là cà phê chất lượng.
Khi đã được xay (dạng bột)
Sau khi được xay thì bột cà phê chất lượng có trọng lượng riêng rất nhẹ, xốp, mịn màng và đặc biệt là từng hạt dù li ti nhưng rất rời nhau có màu nâu đen, đều màu chứ không như cà phê bẩn xuất hiện nhiều hạt có màu sắc nổi bật bất thường do ngấm hóa chất, tạp chất. Mùi thơm của cà phê sạch nhẹ nhàng, rất dễ chịu.
Khi đang pha
Chỉ cần nhìn thấy độ nở của cà phê khi đang pha là bạn đã có thể chắc chắn được đâu là cà phê sạch. Do cà phê có trọng lượng riêng khá thấp, độ nở rất cao nên khi pha bằng phin, bột cà phê sẽ nở đầy ắp thành phin, thậm chí đầy lên cả nắp phin. Ngược lại, cà phê bẩn với bắp và đậu nành cháy khi pha xong vẫn giữ nguyên trạng thái ban đầu, không giãn nở.
Khi đã pha
Mùi: mùi hương tự nhiên, thoang thoảng dễ chịu chứ không gắt như khi chứa chất tạo mùi, bơ…
Màu sắc: nâu cánh gián, trong vắt chứ không phải là màu đen đục như nhiều người vẫn nghĩ.
Độ sánh: rất ít thậm chí chỉ hơn nước tinh khiết một chút. Nhiều người vẫn thường cho rằng cà phê ngon phải sánh đậm nhưng thực chất, chỉ có cà phê pha tạp chất mới có độ sánh như vậy.
Vị: đắng nhẹ, thanh chứ không đắng gắt.
Để có thể phân biệt được đâu là cà phê sạch, đâu là cà phê bẩn ngay từ cái nhìn đầu tiên thì cần một quá trình thưởng thức và cảm nhận cùng với đó là vốn kiến thức về cà phê. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thể lựa chọn cho mình những ly cà phê ngon, chất lượng và đảm bảo sức khỏe.
Theo moitruong.com.vn