Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển thành công phương pháp ức chế việc tạo ra các chất độc hại sinh ra từ quá trình đốt rác thải.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý hóa học Đại Liên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã dẫn đến việc phát triển các công nghệ ức chế mới có thể giúp làm giảm hơn một nửa lượng chất thải dioxin trong quá trình đốt chất thải rắn.
Trung Quốc phát triển thành công công nghệ ức chế chất độc hại. (Ảnh minh họa: KT)
Một lượng lớn các hợp chất thơm clo hóa cực độc được phát ra trong quá trình đốt chất thải rắn. Các hóa chất trong đó có dioxin được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc liệt vào danh sách các chất gây ô nhiễm hữu cơ nguy hiểm do tác dụng gây ung thư, quái thai hay các đột biến khác.
Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu tác động của oxit kim loại và clorua lên quá trình clo hóa các hợp chất thơm. Quá trình clo hóa là một bước quan trọng để kiểm soát sự hình thành các hợp chất độc hại trong khí đốt.
Với lý thuyết vừa đưa ra, nhóm nghiên cứu đã ức chế thành công lượng đầu ra của dioxin tại 3 nhà máy điện đốt chất thải rắn quy mô lớn ở Trung Quốc tới hơn một nửa. Kết quả nghiên cứu khả quan này đã được công bố trong số đăng mới nhất của tạp chí khoa học quốc tế Khoa học và Công nghệ Môi trường.
Theo Vov.vn (2/6/2019)