Tình trạng tích lũy mỡ quá mức làm gia tăng nguy cơ mắc 13 loại ung thư như gan, dạ dày, thận, tử cung, tụy, đại tràng…
Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe.
Để phân loại mức độ béo phì, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thường dùng chỉ số khối cơ thể (BMI) được tính bằng cách chia cân nặng (kg) cho bình phương chiều cao (mét) theo công thức: BMI = W (kg)/H (m2); W: cân nặng, H: chiều cao.
Theo đó, một người trưởng thành có chỉ số BMI trong khoảng 25-29,9 được xem là thừa cân, và một người trưởng thành có chỉ số BMI >= 30 được xem là béo phì.
Béo phì nguyên nhân thứ 2 gây ung thư sau hút thuốc
Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư Mỹ năm 2017, béo phì là nguyên nhân thứ 2 gây ung thư sau hút thuốc lá và được các chuyên gia dự đoán sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu trong thập kỷ tới. Hàng năm có khoảng 1,7 triệu người Mỹ được chẩn đoán ung thư, trong số đó có 40% trường hợp có liên quan với các dấu hiệu thừa cân, béo phì.
Tại Anh, cứ 20 người được chẩn đoán ung thư thì có 1 người bị béo phì. Theo thống kê của Tổ chức nghiên cứu ung thư Anh, béo phì là nguyên nhân gây ra 18.100 ca ung thư mỗi năm và có xu hướng tăng lên 670.000 ca trong 20 năm tới.
Theo BSCKI. Trần Thu Hạnh, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), béo phì làm tăng nguy cơ phát triển rất nhiều loại ung thư khác nhau. Theo kết quả khảo sát của nhiều trung tâm nghiên cứu ung thư trên thế giới, tỷ lệ tăng nguy cơ mắc 13 bệnh ung thư của người thừa cân, béo phì so với người bình thường như sau:
– Ung thư tử cung: 40% số ca mắc ung thư tử cung liên quan đến béo phì. Tỷ lệ tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tử cung ở người béo phì là 4-7 lần so với người bình thường.
– Ung thư thực quản: tăng cao gấp 2-4 lần.
– Ung thư dạ dày: tăng cao gần gấp đôi
– Ung thư gan: tăng cao gấp đôi
– Ung thư thận: tăng cao gấp đôi
– Đa u tủy: tăng nguy cơ từ 15- 20%
– U màng não: tăng lên từ 25- 50%
– Ung thư tụy: tăng cao gấp 1,5 lần
– Ung thư đại tràng: tăng cao hơn 30%
– Ung thư túi mật: tăng cao 60%, phụ nữ cao hơn nam giới
– Ung thư vú: trước mãn kinh tăng 15%, sau mãn kinh tăng từ 20- 40%. Béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ ung thư vú ở nam giới.
– Ung thư buồng trứng: tăng 10%
– Ung thư tuyến giáp: chỉ tăng nhẹ 10%.
Tại sao thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư?
Một số nghiên cứu đã khám phá lý do tại sao thừa cân hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Những lý do khiến béo phì có liên quan đến ung thư bao gồm:
– Tăng mức độ insulin và yếu tố tăng trưởng insulin-1 (IGF-1), có thể làm một số bệnh ung thư phát triển.
– Viêm mãn tính, viêm cấp…, thường gặp ở những người béo phì có liên quan đến nguy cơ ung thư tăng.
– Lượng estrogen cao hơn được tạo ra bởi mô mỡ, có thể thúc đẩy sự phát triển của một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư vú và ung thư nội mạc tử cung.
– Các tế bào mỡ có thể ảnh hưởng đến quá trình điều chỉnh sự phát triển của tế bào ung thư.
Phòng chống béo phì cũng là phòng chống ung thư
Để phòng chống béo phì và các bệnh ung thư liên quan đến béo phì, một trong những yếu tố quan trọng nhất là duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý. Để kiểm soát cân nặng, trước hết cần có lối sống lành mạnh, tích cực, tăng cường vận động, chế độ ăn cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao trong ngày.
Cần thực hiện tốt các khuyến nghị sau:
– Ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt nạc và ngũ cốc nguyên hạt.
– Hạn chế ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc từ động vật, đồ ăn có nhiều năng lượng như thức ăn nhanh, đồ ăn và đồ uống có nhiều đường, đồ rán xào.
– Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá thuốc lào
– Tăng cường vận động: đi bộ, chơi thể thao, lao động chân tay…; tập thể dục ít nhất ít nhất 30 phút mỗi ngày.
Theo Dân trí
https://petrotimes.vn/trong-luong-co-the-quyet-dinh-nguy-co-mac-ung-thu-cua-ban-nhu-the-nao-605075.html