Theo thống kê, ở Việt Nam, trong 10 năm qua, người dân uống nhiều đồ uống có đường hơn. Điều này đã để lại không ít tiêu cực cho sức khỏe cần có hành động kịp thời và quyết đoán để đảo ngược những xu hướng này.
Tỷ lệ người Việt Nam sử dụng đồ uống có đường ngày càng tăng
TS. Angela Pratt Trưởng đại điện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, trong 10 năm qua, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần.
“Không có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ thừa cân và béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì, đại diện WHO nêu rõ. Do đó, bà Angela Pratt cho rằng chúng ta cần có hành động kịp thời và quyết đoán để đảo ngược những xu hướng này.
Đưa ra bản đồ tràn ngập màu đỏ cảnh báo tình trạng béo phì trên toàn cầu, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho rằng dịch tễ học bệnh béo phì ở trẻ em là một vấn đề toàn cầu cần hành động khẩn cấp.
Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh chóng theo kết quả Tổng Điều tra dinh dưỡng 2010, 2020. Đồng thời, tỷ lệ đái tháo đường tuýp 2, rối loạn chuyển hoá, tim mạch đang gia tăng. Người bị thừa cân, béo phì còn tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư… Cũng theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2015 có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, dự báo sẽ tăng lên gấp đôi (6,1 triệu) vào năm 2040.
Đồ uống có đường gây ra nhiều tác hại cần phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Ảnh minh họa
Theo thông tin của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nước ngọt là đồ uống gây nghiện, số lượng người yêu thích tỉ lệ thuận với tình trạng béo phì. Số liệu thống kê năm 2020 cho thấy 19% số học sinh thừa cân béo phì, khu vực thành thị như TP.HCM và Hà Nội, tỉ lệ có thể lên tới 40%. Ở người trưởng thành, con số này khoảng 20%, riêng TP.HCM là 30%.
Nếu sử dụng 1 lon nước ngọt/ngày trong vòng 1,5 năm làm tăng 60% vấn đề thừa cân, béo phì. Còn nếu tiêu thụ nước ngọt thường xuyên 1-2 lon/ngày (hoặc nhiều hơn), có nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 cao hơn 26% so với người hiếm khi uống. Thậm chí, tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn 1,36 lần…
Áp thuế với đồ uống có đường, hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đối với trẻ em
Theo khuyến nghị của WHO để có thể giảm mức tiêu thụ đường và chặn đứng mức gia tăng đại dịch béo phì và đái tháo đường, các quốc gia cần thực hiện kết hợp 3 nhóm giải pháp gồm: Áp thuế với đồ uống có đường, hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đối với trẻ em và truyền thông về tác hại của việc sử dụng đồ uống có đường không hợp lý.
Nhấn mạnh vai trò của chính sách thuế đối với sức khỏe con người, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) Hồ Hồng Hải cho biết, ngày 29/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025, trong đó yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao sức khỏe, giảm hành vi gây nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Kế hoạch nhấn mạnh vai trò của một số chính sách thuế trong kiểm soát đồ uống có đường.
Về đề nghị loại trừ sữa và sản phẩm từ sữa, cân nhắc áp dụng biện pháp hạn chế tiêu dùng đối với một số đồ uống có hàm lượng đường cao, quy định khái niệm “đồ uống có đường” tại Luật, Bộ Tài chính thông tin, theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12828:2019, nước giải khát bao gồm nước giải khát có ga, nước uống tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao, nước giải khát có chứa chè, nước giải khát có chứa cà phê, và nước giai khát có chứa nước trái cây.
Theo Bộ Tài chính, sữa và các sản phẩm từ sữa cũng là một loại đồ uống có đường nhưng không phải là nước giải khát theo TCVN 12828:2019 và là hàng hóa phục vụ cho mục đích dinh dưỡng cho sức khỏe con người.
Để tránh trường hợp doanh nghiệp tiếp tục có kiến nghị đối với mặt hàng này, Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến theo hướng sửa cụm từ “đồ uống có đường” thành “nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam” vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, sẽ loại trừ một số mặt hàng không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như: sữa; thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, nước rau, quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao.
Bên cạnh đó, để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu loại nước giải khát có hàm lượng thấp, tham khảo kinh nghiệm của các nước, Bộ Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu quy định cụ thể mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát theo hàm lượng đường nhất định sau khi dự án Luật được đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật của Quốc hội.
Tiêu chuẩn quốc gia 12828: 2019 về nước giải khát
Tiêu chuẩn quốc gia 12828: 2019 về nước giải khát do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVn/TC/F9 đồ uống biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố quy định các yêu cầu đối với nước giải khát bao gồm đồ uống hương liệu (kể cả nước tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải và các đồ uống đặc biệt khác), nước giải khát có chứa cà phê, nước giải khát cóa chứa chè, đồ uống thảo mộc, nước giải khát chứa trái cay và các loại đồ uống từ ngũ cốc.
Tiêu chuẩn hướng dẫn các nguyên liệu sử dụng phải có nguồn gốc tự nhiên, vitamin, khoáng chất đáp ứng các yêu cầu để dùng làm thực phẩm.
Yêu cầu về cảm quan đối với nước giải khát được quy định có màu sắc, mùi vị đặc trưng, trạng thái ở dạng lỏng đồng đều, có thể chứa các phần không đồng nhất đặc trưng của nguyên liệu.
Yêu cầu về lý hóa thì hàm lượng etanol không lớn hơn 0,5; hàm lượng natri đối với nước điện giải, không nhỏ hơn 230, đối với nước uống thể thao, trong khoảng từ 50-1200; hàm lượng kali đối với nước uống thể thao trong khoảng từ 50-250; hàm lượng cafein đối với nước uống tăng lực trong khoảng từ 145-320; hàm lượng polyphenol đối với nước có chứa chè không nhỏ hơn 100.
Sản phẩm phải được đóng gói trong bao bì đảm bảo an toàn thực phẩm, không thấm nước và kín khí. Việc ghi nhãn phải theo quy định hiện hành. Tên sản phẩm càn mô tả được bản chất của sản phẩm mà không lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/tinh-trang-su-dung-do-uong-co-duong-tai-viet-nam-ngay-cang-tang-gay-ra-khong-it-he-luy-d220242.html