16 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng Một 22, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngTiêu chuẩn không khí trong nhà cần sớm được ban hành

    Tiêu chuẩn không khí trong nhà cần sớm được ban hành

    Date:

    Related stories

    Hiện nay, các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà như nấm, lông vật nuôi, đun nấu, sưởi ấm bằng than, điều hòa, khí gas, đốt vàng mã, hút thuốc, hóa chất tẩy rửa, từ đồ dùng… đang gây tác động lớn đến sức khỏe con người, do đó, cần có nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng không khí (CLKK) trong nhà.

    Chất lượng không khí trong nhà vượt ngưỡng

    Theo Báo cáo của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), năm 2017, ở các đô thị, không khí trong nhà có nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép. Tại Hà Nội, phòng khách các hộ gia đình ở mặt đường, có nồng độ bụi (PM10) vượt quá tiêu chuẩn 2,5 lần, nồng độ bụi mịn (PM 2.5) vượt quá tiêu chuẩn 3 lần; ở các nhà trong hẻm,nồng độ bụi tương ứng vượt quá tiêu chuẩn 1,6-1,8 lần; các căn hộ mới (vượt tiêu chuẩn 1,1 – 1,3 lần), còn tại căn hộ cũ (vượt tiêu chuẩn 1,2-1,4 lần); trong các văn phòng (vượt tiêu chuẩn 1,4-1,7 lần). Ngoài ra, tổng số vi khuẩn hiếu khí, liên cầu tan huyết và nấm tại hầu hết các gia đình được nghiên cứu đều không đạt tiêu chuẩn.

    Trong khi đó, nồng độ bụi tại những nơi xa trung tâm TP như huyện Kiến Xương (Thái Bình) đều đáp ứng tiêu chuẩn, còn về tổng số vi khuẩn hiếu khí, nấm 100% gia đình được nghiên cứu cũng không đạt tiêu chuẩn. So sánh chất lượng không khí trong nhà giữa các hộ gia đình cho thấy, nồng độ bụi PM10, PM 2.5 và CO, SO2, NO2 tại các hộ gia đình ở Kiến Xương thấp nhất; ở những căn hộ cũ của Hà Nội cao hơn các căn hộ mới, trong hẻm thấp hơn các hộ gia đình sống gần mặt đường.

    Một nghiên cứu khác về ô nhiễm không khí  trong nhà của Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động tại 6 văn phòng trong 4 tòa nhà ở nội thành Hà Nội năm 2017 cho thấy, nồng độ CO2 trong không khí trung bình là 860ppm (nơi cao nhất là 940 ppm), formaldehyde là 0,023 ppm (cao nhất 0,046 ppm), ôzôn là 0,067 ppm (cao nhất là 0,091ppm), các chất hữu cơ dễ bay hơi là 6,33 ppm, nồng độ bụi hô hấp là 0,208 mg/m3.Nếu áp các chỉ số trên vào một số tiêu chuẩn của quốc tế thì thấy vượt tiêu chuẩn cho phép. Ví dụ, nồng độ forrmaldehyde vượt quy định của Viện quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của Mỹ (NIOSH ), nồng độ bụi hô hấp vượt tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia (NAAQS) của Cơ quan BVMT Mỹ (USEPA, 1987).

    Hiện Việt Nam chỉ mới có tiêu chuẩn CLKK bên ngoài, xung quanh, chưa có tiêu chuẩn CLKK trong nhà. Trong khi các nước trên thế giới đã ban hành tiêu chuẩn CLKK bên trong, phân ra tiêu chuẩn cho từng đối tượng là nhà ở, trường học, văn phòng làm việc… Các quy định này quy định chặt chẽ CLKK trong các khung giờ khác nhau, đưa ra quy chuẩn không khí sạch, trong đó có quy chuẩn về nấm mốc, sẽ đáp ứng tốt hơn cho việc tính toán mức độ tiếp xúc, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

    Các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà

    Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí trong nhà đáng lo ngại nhất vì phần lớn hoạt động của con người diễn ra trong nhà. Đây là “sát thủ thầm lặng” – một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tật và tử vong hàng đầu thế giới. Số liệu thống kê của WHO cũng cho thấy, 6/10 bệnh có tỷ lệ chết cao nhất tại Việt Nam là những bệnh có liên quan đến ÔNKK trong nhà.

    Các chất gây ô nhiễm không khí trong nhà thường được sinh ra từ các thiết bị hiện đại trong nhà, như thảm, điều hòa, tủ lạnh, bếp ga…

    Theo các chuyên gia, hiện ở Việt Nam, việc đánh giá ảnh hưởng của không khí tới sức khỏe con người vẫn đang căn cứ vào ô nhiễm không khí bên ngoài. Trong khi lượng vi sinh vật gây bệnh từ không khí trong nhà cao hơn ngoài trời. Gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí trong nhà thậm chí còn cao hơn gấp 2 lần so với gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí xung quanh. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ bệnh hô hấp chiếm tới 3-4% dân số, trong đó tỷ lệ này ngày càng cao hơn ở các TP lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh. Theo nghiên cứu năm 2017 tại TP. Hồ Chí Minh trong suốt mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4), số trẻ nhập viện gia tăng vì tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Nguy cơ mắc bệnh tăng từ 7 – 18% nếu nồng độ NO2 trong không khí tăng 10 μg/m3.

    Các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà chủ yếu là do vi khuẩn, nấm mốc và nấm men gây ra, có thể nguy hiểm như các tế bào sống gây bệnh và tiết ra một số chất có hại cho sức khỏe. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, nồng độ cao của vi sinh vật trong không khí có thể gây dị ứng, thậm chí nồng độ rất thấp của một số vi sinh vật đặc biệt có thể gây ra bệnh nghiêm trọng.

    Theo kết quả thống kê, có khoảng 30% các vấn đề sức khỏe liên quan đến CLKK trong nhà là do phản ứng cơ thể người đối với các loại nấm mốc. Bên cạnh đó, hệ thực vật nấm có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là trong các phòng có hệ thống sưởi ấm, thông gió, điều hòa không khí có thể gây ra dị ứng hay “hội chứng bệnh” gây kích ứng màng nhầy, bệnh hen phế quản… Ngoài ra, bụi có thể phát sinh từ sàn nhà và đồ dùng bẩn. Khi các hoạt động diễn ra, bụi xâm nhập vào không khí. Bụi có thể lan rộng vào trong nhà từ bên ngoài và lắng đọng trên các vật thể, là điều kiện thuận lợi để vi sinh vật có hại phát triển.

    Tăng cường các giải pháp

    Để cải thiện CLKK trong nhà, người dân nên có các biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách thường xuyên vệ sinh nhà cửa, hút bụi, hạn chế dùng thảm, tránh đun nấu bằng than, củi trong nhà, trồng thêm cây xanh để điều hòa không khí… Khi làm sạch đồ trong nhà, mọi người nên sử dụng vải ẩm để tránh bụi. Nhà cửa, văn phòng và trường học nên mở cửa sổ thường xuyên để làm tăng ánh sáng mặt trời và chất độc hại trong nhà có thể bay ra ngoài. Các loại nấm mốc thường phát triển rất nhanh trong môi trường nóng và ẩm, vì vậy nên giữ độ ẩm trong nhà dưới 60% để tránh nấm mốc phát triển.

    Đối với trường học ở nông thôn, sân trường cần được bê tông hóa để các hoạt động của học sinh khi tham gia có thể hạn chế bụi phát sinh và phát tán vào lớp; trồng cây bonsai trong nhà hoặc văn phòng để có không khí trong lành. Bên cạnh đó, do tác động của thời tiết cực đoan gây những ảnh hưởng quan trọng đối với CLKK trong nhà. Điều này có thể dẫn đến nhiệt độ trong nhà quá cao hoặc quá thấp hoặc không khí bị ẩm ướt, nên cần bổ sung thêm thiết bị cách nhiệt và thông gió.

    Mặt khác, có thể dùng nhiên liệu thay thế than đá sang nguyên liệu sạch hơn như khí hóa lỏng, biogas, năng lượng mặt trời… Khu vực nấu nướng cần được thiết kế, lắp đặt đúng cách nhằm giảm khói bụi, giảm mức phát thải, giúp cải thiện thời gian nấu nhanh hơn. Ngoài ra, Việt Nam cần có nghiên cứu sâu và đầy đủ hơn về ảnh hưởng của CLKK trong nhà đến sức khỏe con người, trong đó việc ban hành tiêu chuẩn CLKK trong nhà là hết sức quan trọng.

    Theo Nguyễn Thị Phượng/Tạp chí Môi trường, số 8/2018

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img