Khóa ô tô kỹ thuật số có nhiều ưu điểm và rất tiện lợi nhưng nó cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định về tính năng bảo mật, an toàn thông tin đối với chủ sở hữu chiếc xe.
Chủ sở hữu hiện tại có thể mở khóa ô tô của mình từ xa mà không cần chìa khóa, miễn có điện thoại thông minh và ôtô tương thích. Apple đã cập nhật hệ sinh thái Wallet vào năm 2020, cho phép người dùng thêm chìa khóa ôtô kỹ thuật số.
Điều này cho phép chủ sở hữu có thể truy cập ô tô của mình từ xa bằng iPhone hoặc Apple Watch. Họ cũng có thể cấp quyền truy cập vào ô tô cho vợ/chồng, người trông trẻ hoặc khách.
Google cũng giúp người dùng Android có thể mở khóa và khởi động ô tô của họ bằng điện thoại Pixel 6 hoặc bất kỳ thiết bị nào chạy Android 12.
Khóa ô tô kỹ thuật số rất tiện lợi, đặc biệt vì người dùng chỉ cần nhận dạng khuôn mặt hoặc mật khẩu trên điện thoại thông minh để khóa, mở khóa hoặc khởi động xe của mình. Mặc dù dễ sử dụng nhưng chìa khóa ôtô kỹ thuật số có thể tiềm ẩn sự cố.
Chìa khóa kĩ thuật số cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo hãng cung cấp hệ thống theo dõi giám sát phương tiện giao thông Tracker của Anh, ít nhất 93% số xe mà họ thu hồi được vào năm 2020, đã bị đánh cắp thông qua một cuộc tấn công vào lỗ hổng bảo mật của chìa khóa kỹ thuật số. Điều này thường xảy ra khi những kẻ trộm xe hơi chặn tín hiệu nhận dạng qua công nghệ tần số vô tuyến RFID từ một chìa khóa bằng thiết bị hack để truy cập vào chiếc xe của khổ chủ.
Công nghệ Ultra-Wideband (UWB) là một giao thức truyền thông không dây, tầm ngắn, có chức năng sử dụng sóng vô tuyến, tương tự như kết nối Bluetooth và Wi-Fi. Công nghệ này giúp chống lại các cuộc tấn công vào lỗ hổng bảo mật tốt hơn.
Không giống như tín hiệu RFID, công nghệ UWB chính xác hơn trong việc tính toán độ gần của chìa khóa ô tô kỹ thuật số trên điện thoại thông minh. Mặc dù có những lợi ích về bảo mật nhưng không phải tất cả ôtô tương thích với chìa khóa ôtô kỹ thuật số đều áp dụng công nghệ UWB.
Một số nhà sản xuất ô tô như Tesla, Hyundai hay Lincoln sử dụng chìa khóa ô tô kỹ thuật số dựa trên công nghệ Bluetooth năng lượng thấp Bluetooth Low Energy (BLE) hoặc giao tiếp trường gần Near-Field Communications (NFC).
Chìa khóa ôtô kỹ thuật số sử dụng công nghệ BLE có thể giao tiếp với ôtô ở phạm vi xa hơn so với công nghệ UWB. Đối với công nghệ NFC nếu có điện thoại thông minh, người dùng cần giữ nó cách cửa xe vài centimet để mở khóa.
Bên cạnh đó, công nghệ NFC có thể giúp người dùng sử dụng chìa khóa ô tô kỹ thuật số ngay cả khi hết pin. Vì chìa khóa ôtô kỹ thuật số với BLE giao tiếp ở khoảng cách truyền xa hơn so với công nghệ UWB, cho nên chúng dễ bị vi phạm bảo mật hơn.
Các lỗ hổng bảo mật tiềm ẩn đó có thể được giải quyết nếu chìa khóa ôtô kỹ thuật số hỗ trợ đồng thời UWB, BLE và NFC. Vấn đề là, có thể phải mất một thời gian trước khi hầu hết các ô tô tương thích với công nghệ UWB vì công nghệ này đắt hơn so với công nghệ BLE. Rủi ro bảo mật tiềm ẩn lớn nhất sẽ là ai đó đánh cắp điện thoại thông minh của người sở hữu ô tô và sử dụng nó để truy cập vào ô tô. Khi đó, cần các biện pháp vô hiệu hóa mật khẩu hoặc xác minh sinh trắc học.
Tiếp đến, cần thiết lập tùy chọn để theo dõi điện thoại thông minh bị mất hoặc hủy kích hoạt chìa khóa ô tô kỹ thuật số. Mặc dù có thể có một số rủi ro với chìa khóa ô tô kỹ thuật số, hiện tại những chìa khóa chỉ sử dụng công nghệ NFC hoặc BLE dường như đang là một cách hợp lý an toàn để bảo vệ ô tô.
Bảo Linh
https://vietq.vn/tiem-an-nhieu-rui-ro-khi-su-dung-khoa-o-to-ky-thuat-so-d200230.html