Bệnh viện Bạch Mai cho hay, thuốc lá thế hệ mới ngày càng thay đổi đa dạng, khó kiểm soát. Theo nghiên cứu tại 11 tỉnh, thành phố, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 – 15 tuổi đã tăng hơn gấp đôi sau một năm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, thuốc lá thế hệ mới ngày càng thay đổi đa dạng, khó kiểm soát.

Đối với thuốc lá nung nóng là thiết bị điện tử sử dụng pin để làm nóng đầu hút có kiểu dáng, cấu trúc chứa nguyên liệu là sợi thuốc lá được bọc giấy bên ngoài tương tự như một điếu thuốc lá truyền thống. Khi được nung nóng tới nhiệt độ nhất định, nó sẽ tạo ra khí chứa nicotine và các chất phụ gia tạo hương vị cho người dùng hít vào. Nguyên liệu là sợi thuốc lá chứa nicotin tương tự thuốc lá điếu truyền thống, nhưng không có sự đốt cháy.

Còn riêng với thuốc lá điện tử (vape, pod), thay vì dùng nguyên liệu là lá cây thuốc lá, chúng được thay bằng dung dịch được làm bằng hóa chất. Cơ chế sử dụng tương tự thuốc lá nung nóng, dùng pin để làm nóng khoang chứa dung dịch tinh dầu dùng một lần hoặc bổ sung thêm để dùng nhiều lần rồi hóa hơi cho người hút sử dụng.

Vì là dạng dung dịch nên chúng có tới hàng nghìn nguyên liệu khác nhau chứa các chất như: nicotine, propylene glycol (một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi) và glycerin thực vật.

Trong đó, mới nhất là thế hệ thứ tư, hay còn gọi là pod mod với nhiều hình dáng, kích thước, có các bình đế tương thích, nạp chứa nhiều lần, chứa nicotine, cần sa tổng hợp, hương vị…

“Điển hình nhất của loại thuốc lá này là sử dụng nicotine dạng muối hơn là dạng tự do. Muối nicotine có pH thấp hơn nicotine tự do, giúp hít dễ dàng lượng lớn, ít kích ứng hô hấp hơn. Điều này cũng đồng nghĩa thuốc lá điện tử khiến nicotine xâm nhập cơ thể dễ dàng và nhiều hơn”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

Tỷ lệ trẻ vị thành niên sử dụng thuốc lá thế hệ mới ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng chia sẻ đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử có tổn thương não, tim, suy thận, phổi cấp… Chủ yếu các trường hợp này là thuốc lá điện tử chứa cần sa, cần sa tổng hợp.

Năm 2023, bệnh viện tiếp nhận khoảng 150 ca cấp cứu do ngộ độc thuốc lá điện tử, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận gần 100 ca nhập viện. Điển hình, mới đây là trường hợp nam thanh niên 20 tuổi (Hà Nội) nhập viện vì ngộ độc thuốc lá điện tử. Khoảng 4h sáng 26/6, gia đình nghe tiếng động, phát hiện thanh niên đang co giật, bất tỉnh, được đưa đến bệnh viện gần khu vực.

Sau đó bệnh nhân được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, tổn thương đa cơ quan, có tổn thương não, tim, nhiễm toan chuyển hóa nặng, suy thận. Qua kiểm nghiệm, phát hiện mẫu thuốc lá điện tử có cần sa tổng hợp. Hiện bệnh nhân vẫn đang điều trị.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách quản lý, điều hành Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cảnh báo, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử tăng chóng mặt những năm gần đây. Chỉ sau 5 năm (2015 – 2020), tỉ lệ người trưởng thành (15 tuổi trở lên) sử dụng thuốc lá điện tử tăng 18 lần, từ 0,2% lên 3,6%.

Theo nghiên cứu tại 11 tỉnh, thành phố, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 – 15 tuổi tăng từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Bên cạnh đó, chỉ trong năm 2023 đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử.

Ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh, nếu chúng ta không có chính sách cấm ngay đối với thuốc lá điện tử sẽ là mối nguy hại rất lớn cho cả thế hệ tương lai.

Chia sẻ về vấn đề chính sách khuyến nghị đối với thuốc lá điện tử, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết hiện các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được cấp phép nhập khẩu, quảng cáo và bán tại Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan, việc thực thi rất yếu.

WHO cũng khuyến nghị Quốc hội cần ban hành nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine. Đồng thời, cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm này tại Việt Nam, có quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài.

“Về lâu dài, Việt Nam cần chuyển và hoàn thiện các quy định cấm từ nghị quyết vào sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá”, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm nhấn mạnh.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cũng cho hay hiện đã có 5 quốc gia ASEAN (Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei) cấm thuốc lá điện tử.

Bộ Y tế đang xây dựng hồ sơ, trình Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo nghị quyết. Trong đó, đưa quy định cấm toàn bộ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để đảm bảo sức khỏe người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nếu được Chính phủ đồng ý, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10-2024″, bà Thủy thông tin.

Để tiếp tục tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo tổ chức các hoạt động tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá; Tổ chức thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ qua việc xây dựng, tổ chức triển khai Kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030; Đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo từng thời kỳ; Lồng ghép hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án khác của địa phương.

Ngoài ra, để tăng cường công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nấu và các sản phẩm thuốc mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/thuoc-la-the-he-moi-ngay-cang-thay-doi-da-dang-kho-kiem-soat-khien-ty-le-tre-em-su-dung-tang-chong-mat-d223075.html