Thiếu vi chất dinh dưỡng là nạn đói tiềm ẩn do khẩu phần của người dân Việt Nam hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu các vi chất dinh dưỡng thiết yếu.

Năm 1994, Việt Nam điều tra dịch tễ học tình trạng thiếu iốt, kết quả cho thấy 94% dân số nằm trong vùng thiếu iốt (tình trạng thiếu iốt ở Việt Nam mang tính toàn quốc, không kể miền núi, thành thị hay vùng đồng bằng, ven biển), tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi là 22.4%, trung vị iốt niệu là 3.2mcg/dl.

Chính vì tình hình thiếu iốt nghiêm trọng như vậy mà ngày 8 tháng 9 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 481/TTg về việc tổ chức và vận động toàn dân ăn muối I-ốt. Sau 05 năm sau, ngày 10 tháng 4 năm 1999, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 19/1999/NĐ-CP về việc sản xuất và cung ứng muối iốt cho người ăn thay thế Quyết định số 481/TTg. Nghị định này quy định bắt buộc muối dùng cho người ăn (muối thực phẩm) phải là muối iốt.

Sau 06 năm triển khai thi hành Nghị định này, Việt Nam đã thanh toán được tình trạng thiếu I ốt và đạt được các tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2005: tỷ lệ bao phủ với muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh > 90%, mức trung vị i-ốt niệu > 100 mcg/l và tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi < 5%.

Cho rằng Việt Nam đã thanh toán được tình trạng thiếu hụt iốt và người dân đã duy trì được thói quen sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm, ngày 29 tháng 12 năm 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2005/NĐ-CP thay thế Nghị định số 19/1999/NĐ-CP để chuyển sang cơ chế quản lý mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống các rối loạn thiếu I ốt trở thành hoạt động thường quy của Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan. Việc sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm không còn là bắt buộc nữa.


Ảnh minh hoạ.

Chính vì vậy, theo kết quả đánh giá 09 năm thi hành Nghị định số 163/2005/NĐ-CP thì cả nước chưa đến 50% tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh (mức khuyến cáo của WHO là tỷ lệ bao phủ muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh phải đạt >90%), mức trung vị i ốt niệu là 8,4 mcg/dl, thấp hơn khoảng an toàn theo khuyến cáo của WHO (10-19 mcg/dl); tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi là 9,8%, cao hơn mức khuyến cáo của WHO (<5%).

Hiện nay, theo Báo cáo 2021 của Mạng Lưới Toàn cầu về Phòng Chống các rối loạn do thiếu I-ốt, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu I-ốt. Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 do Viện dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế tiến hành cho thấy tình trạng thiếu I-ốt đang diễn ra ở 83,8% phụ nữ mang thai và 75,7% ở phụ nữ cho con bú. Tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-12 tuổi là 14,7%. Tỷ lệ này cao gấp 3 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (<5%) và cao gần gấp 5 lần so với số liệu năm 2005 của Việt Nam (là 3,6%) khi tuyên bố thanh toán tình trạng bướu cổ và các rối loạn do thiếu I-ốt.

Tỷ lệ thiếu máu là 19,6% ở trẻ em dưới năm tuổi, 25,6% ở phụ nữ mang thai và 24,2% ở phụ nữ cho con bú. Do vậy, nếu Chính phủ không kiên trì chính sách bắt buộc “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” thì Việt Nam vẫn luôn là một trong những quốc gia thiếu i – ốt nghiêm trọng và trẻ em 8-12 tuổi vẫn bị bướu cổ ở tỷ lệ cao.

Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất, có thể kết hợp với thiếu axit folic, nhất là trong thời kỳ có thai và phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Thiếu máu chỉ là giai đoạn cuối cùng của một quá trình thiếu sắt tương đối dài với nhiều ảnh hưởng bất lợi với sức khỏe, thể lực và số người bị thiếu sắt chưa bộc lộ thiếu máu cao hơn nhiều so với người bị thiếu máu thực sự. Thiếu máu, thiếu sắt là loại thiếu vi chất dinh dưỡng có ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng quan trọng hàng đầu hiện nay.

Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai ở mức trung bình về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng (25,4%). Bên cạnh đó, tỷ lệ thiếu máu ở các nhóm trẻ em 5-9 tuổi là 11,6%, trẻ em gái 10-14 tuổi là 8,9%, phụ nữ tuổi sinh đẻ là 16,2%, phụ nữ cho con bú là 12%, được xếp ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, tỷ lệ thiếu sắt ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi là 22,9% và ở nhóm phụ nữ có thai là 35,4%, mặc dù tỷ lệ này đã giảm so với năm 2015 nhưng tỷ lệ này vẫn duy trì ở mức cao.

Theo ngưỡng phân loại của Nhóm tư vấn Quốc tế về kẽm (IZINC) khi tỷ lệ thiếu kẽm ở cộng đồng trên 20% được xác định là vấn đề thiếu kẽm có ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng. Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 63%, phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ là 44,3%, và trẻ em là 53,3%. Như vậy, kết quả này cho thấy tỷ lệ thiếu kẽm ở cộng đồng đặc biệt là trẻ em và phụ nữ có thai dù đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nặng.

Thiếu vi chất dinh dưỡng là nạn đói tiềm ẩn do khẩu phần của người dân Việt Nam hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu các vi chất dinh dưỡng thiết yếu. Điều tra toàn quốc về tình hình tiêu thụ lương thực thực phẩm năm 2010 của Viện Dinh dưỡng cho thấy bữa ăn của người dân Việt Nam nông thôn mới đáp ứng được 23% nhu cầu vitamin A, 79% nhu cầu sắt và 56% nhu cầu kẽm, còn ở thành phố khẩu phần ăn của người dân mới đáp ứng được 35% nhu cầu vitamin A, 76% nhu cầu sắt và 57% nhu cầu kẽm. Tình trạng thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng như vitamin A, thiếu máu thiếu sắt, thiếu kẽm và thiếu iốt nghiêm trọng tới mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng.

Bảo Lâm
https://vietq.vn/thuc-trang-thieu-vi-chat-dinh-duong-o-nguoi-viet-nam-d223629.html