22 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng Một 17, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngThực trạng "mang con bỏ chợ" trên sàn thương mại điện tử...

    Thực trạng “mang con bỏ chợ” trên sàn thương mại điện tử tại Việt Nam

    Date:

    Related stories

    Thương mại điện tử ngày một phát triển nhanh chóng nhưng đi cùng với đó là những rủi ro khi mua hàng trực tuyến cũng ngày một gia tăng. Chính vì vậy mà các sàn thương mại điện tử trong nước đang làm mất đi uy tín với khách hàng.

    Thương mại điện tử (TMĐT) là một hình thức thương mại tiên tiến trong bối cảnh công nghệ đang phát triển như vũ bão hiện nay. TMĐT cho phép giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với người tiêu dùng. Trong đó, hình thức doanh nghiệp với người tiêu dùng chúng ta thường thấy như Lazada, Sendo, Voso…

    Đáng chú ý, với những lợi thế như không phải thuê mặt bằng, lượng khách hàng lớn, để tăng lượng khách hàng mua sắm, bên cạnh việc triển khai giảm giá sản phẩm, nhiều cửa hàng còn hỗ trợ giao hàng miễn phí,… một số cá nhân đã đăng ký mặt hàng của mình trên các trang bán hàng online như Tiki, Shopee, Sendo… để dễ tiếp cận người mua hơn.

    Không chỉ những hộ kinh doanh nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân mà hiện các “ông lớn” như Vinmart, Aeon mall… cũng không bỏ qua thị trường béo bở này. Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, Vinmart, Aeon Mall đã áp dụng ngay hình thức “Đi chợ hộ” và miễn phí giao hàng với những hóa đơn từ 300.000 đến 500.000 đồng.


    Những rủi ro khi mua hàng online trên các sàn TMĐT tại Việt Nam vẫn là một bài toán cần tìm lời giải. Ảnh minh hoạ

    Bên cạnh lợi thế, TMĐT vẫn tồn tại sự bất cập. Hiện tại, người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại quyền lợi khi mua hàng trực tuyến như hàng hóa không giống như quảng cáo, hàng giao chậm, đã thanh toán nhưng không giao hàng, lộ thông tin cá nhân… Đặc biệt, tại thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, sự bất cập trong giao dịch TMĐT càng lộ rõ hơn.

    Một khách hàng cho biết đã mua Tivibox và điều khiển chuột voice với đơn hàng trên 700.000 đồng trên Shopee nhưng khi nhận lại không sử dụng được nên yêu cầu đổi. Tuy nhiên, sản phẩm lần 2 vẫn không khác gì. Sau nhiều lần liên hệ để yêu cầu hoàn tiền, trả hàng, sàn giao dịch vẫn thoái thác trách nhiệm.

    Tương tự, một khách hàng khác cũng rơi vào tình cảnh trớ trêu không kém. Đặt hàng và đã thanh toán tiền từ tháng 8 nhưng hàng liên tục trễ hạn giao. Gần 2 tháng sau, ứng dụng trên Shopee tự động cập nhật đã giao hàng, trong khi người mua chưa nhận hàng. Sau đó, khách hàng đã liên hệ với cả sàn TMĐT và đơn vị vận chuyển thì các bên đổ trách nhiệm qua lại cho nhau.

    Nhiều bất cập nảy sinh khi mua sắm trên các sàn TMĐT hiện nay. Không phủ nhận lợi ích về sự tiện lợi nhưng khi có sự cố hầu như mọi rủi ro người mua phải chịu. Còn sàn TMĐT, người bán, đơn vị vận chuyển đều dễ dàng phủi trách nhiệm.

    Trong việc mua hàng trực tuyến, không chỉ nảy sinh hàng loạt bức xúc của người tiêu dùng khi mua hàng, mà còn có cả bức xúc của người bán về trách nhiệm của các sàn TMĐT. Rõ ràng pháp luật có quy định cụ thể nhưng vấn đề nằm ở cách áp dụng và triển khai của các bên liên quan khi chưa làm hết trách nhiệm của mình.

    Với câu chuyện khách hàng mua hàng nhưng hàng thì không nhận, tiền thì mất khi mua trên sàn thương mại điện tử Shopee, theo các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực thương mại điện tử ở đây có thể xảy ra 2 trường hợp.

    Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Giám đốc IM Group cho hay, một đó là do lỗi của đơn vị vận chuyển không giao được nhưng lại cập nhật đã giao thành công. Hoặc nghi vấn thứ hai, đơn vị vận chuyển truyền thông tin đến sàn là đơn hàng chưa giao thành công hoặc đã hoàn trả về người bán thành công nhưng bên hệ thống của sàn có thể do một lỗi nào đó đã hiển thị đơn hàng giao thành công.

    Trung tâm Chăm sóc khách hàng của Shopee trả lời: Sàn đã ghi nhận là sản phẩm đã hoàn về cho người bán, tiền hàng thì sàn đã chuyển đi và yêu cầu người mua hàng phải tự liên hệ với gian hàng.

    Tuy nhiên, trong câu chuyện này, theo phân tích từ luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, lỗi lớn nhất là thuộc về shop bán hàng vì đã nhận hàng về nhưng không hoàn tiền và thứ hai là lỗi của sàn TMĐT.

    Trong Điều 36, Nghị định 52 quy chế hoạt động của sàn TMĐT là các sàn phải có cơ chế tích cực tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tranh chấp của khách hàng.

    Để xây dựng uy tín lâu dài đòi hỏi các chủ sàn phải thật sự xem trọng trách nhiệm của mình với khách hàng đã chọn sàn của mình để mua sắm. Trong trường hợp vẫn duy trì theo hình thức “mang con bỏ chợ”, sớm hay muộn sẽ nhanh chóng nhường miếng bánh thị phần này cho các sàn TMĐT nước ngoài đang đổ mạnh đầu tư vào Việt Nam.

    Thực tế cho thấy, hiện nay mua hàng trên sàn TMĐT, người tiêu dùng còn phải đối mặt với việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

    TS Vũ Duy, giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra rằng, ngoài việc người tiêu dùng có nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả… thì hoạt động TMĐT còn gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát nguồn hàng và chống gian lận thuế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhận ra “cơ hội vàng” để đẩy mạnh TMĐT trong thời điểm xuất hiện dịch Covid-19, nhưng họ lại chưa được đào tạo bài bản để bắt kịp xu thế này. TMĐT là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số. Xu thế này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi một bộ phận người tiêu dùng trẻ, nhưng vẫn còn một khoảng cách tương đối lớn đối với người cao tuổi, những người vốn chưa bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ.

    Bất chấp một số tác động tiêu cực, mua sắm qua mạng vẫn là một lựa chọn tối ưu trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, theo Tiến sĩ Vũ Duy, giải pháp đầu tiên để hạn chế những bất cập trong TMĐT là chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát liên tục, có trọng tâm đối với hoạt động kinh doanh trực tuyến cũng như nâng cao năng lực của lực lượng quản lý thị trường. Cùng với đó, cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến TMĐT để làm rõ cách thức quản lý, các mô hình, nền tảng kinh doanh, trách nhiệm của chủ thể tham gia các sàn giao dịch, bao gồm cả người quản lý sàn giao dịch. Tiếp đó, cần khuyến khích đánh giá tín nhiệm của các bên đối với website và chủ thể kinh doanh điện tử để tạo niềm tin cho khách hàng, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nội bộ, chuyển giao tri thức cho doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động hỗ trợ (bao gồm đào tạo và cá thể hóa công nghệ…) cho các đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật.

    Về phía người tiêu dùng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cảnh báo, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không được cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai, ưu tiên mua hàng từ những trang TMĐT uy tín, có lịch sử bán hàng lâu dài. Khi nhận hóa đơn, cần đối chiếu thông tin trên biên lai giao hàng với đơn hàng trên mạng nhằm hạn chế tình trạng thanh toán cho đơn hàng mà mình không đặt mua cũng như nhận hàng không đúng với sản phẩm đã đặt mua… Có như thế mới không mất tiền vô lý cho những món hàng “chỉ mang tính chất minh họa” trên chợ mạng.

    Diệu Hương
    https://vietq.vn/thuc-trang-mang-con-bo-cho-tren-san-thuong-mai-dien-tu-tai-viet-nam-d193747.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img