18.3 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng Một 17, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngThực phẩm chức năng có những tác dụng tốt nhưng cũng không...

    Thực phẩm chức năng có những tác dụng tốt nhưng cũng không ít nguy hại

    Date:

    Related stories

    Từ lâu thực phẩm chức năng là sản phẩm được nhiều người sử dụng vì nghĩ tốt cho sức khỏe tuy nhiên thực tế thực phẩm chức năng liệu có tốt như quảng cáo?

    Xã hội phát triển kéo theo những hệ lụy khó lường, trong đó làm chúng ta lo lắng đó là bệnh tật. Đúng với suy nghĩ của người phương đông: Có bệnh thì vái tứ phương; không ít người bệnh lựa chọn những phương pháp chữa bệnh không có căn cứ khoa học như sử dụng thực phẩm chức năng. Thực phẩm chức năng liệu có hiệu quả như lời quảng cáo của nhà sản xuất? Thực phẩm chức năng tiềm ẩn nguy cơ như thế nào?

    Trong thời gian qua xuất hiện không ít loại thực phẩm chức năng được quảng cáo rầm rộ, với công hiệu tương đương và có phần hơn các loại thuốc đặc trị, điều này làm người bệnh hoang mang, lo lắng. Trong khi đó, không ít người bàng hoàng khi báo chí đưa ra ánh sáng những vụ việc đau lòng với thực phẩm hỗ trợ chức năng bẩn, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không có giấy phép sản xuất, chứa nhiều hợp chất có hại cho sức khỏe.

    Bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội) cho biết, thực phẩm chức năng không phải là thuốc, hiện nay dưới sự phát triển của kinh tế thị trường nhiều loại thực phẩm chức năng ra đời để chạy theo nhu cầu của người dân. Chính vì vậy nhiều sản phẩm có chứa các chất nguy hại nhưng vì lợi nhuận lại bán bất chấp sức khỏe của người mua. Hơn nữa, giá cả của các thực phẩm này lại “muôn hình vạn trạng”, lượng dinh dưỡng có trong thực phẩm chiếm một lượng rất nhỏ.


    Tác dụng thực sự của thực phẩm chức năng vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào

    Theo TS Trần Quốc Cường – giảng viên bộ môn dinh dưỡng và an toàn thực phẩm Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), vì thực phẩm chức năng không cần kê đơn nên việc nhiều phụ huynh tự ý mua cho con trẻ về uống bổ sung không sai. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thực phẩm chức năng quá nhiều, có thể dẫn đến nguy hại cho trẻ.

    “Tất cả các loại thuốc, dù là thuốc bổ, thực phẩm chức năng đi nữa thì cần uống đúng và đủ liều lượng theo hướng dẫn nhà sản xuất, chỉ định của bác sĩ, nếu có. Đặc biệt là một số loại kẹo bổ, siro, trẻ rất thích nên phụ huynh thường cho trẻ dùng nhiều hơn và điều này cũng gây nguy hại cho trẻ”, ông Cường nói.

    Ngoài ra nếu quá lạm dụng thực phẩm chức năng, uống nhiều quá sẽ dẫn đến dư thừa, không có tác dụng tốt, có thể dẫn đến trẻ bị ngộ độc, dị ứng, suy gan, suy thận…

    Tác hại trước hết là làm rối loạn quá trình đồng hoá trao đổi chất trong cơ thể do liên tục phải tiếp nhận dư thừa nhiều loại chất bổ và chất dinh dưỡng. Năng lượng dư thừa được kết hợp với các chất dư thừa khác để dự trữ trong cơ thể làm mỡ máu tăng cao và mô mỡ dự trữ cũng phì đại, đường huyết tăng và các sản phẩm oxy hoá cũng tăng theo, gây tác hại đến nhiều cơ quan bộ phận, đẩy nhanh quá trình lão hoá của cơ thể.

    Tuy không được coi là thuốc nhưng thực phẩm chức năng cũng có khả nảng gây các phản ứng dị ứng cho người dùng từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.

    Quá mê tín thực phẩm chức năng mà coi nhẹ việc thay đổi thói quen ăn uống, cải thiện điều kiện sống và lối sống thì không những không ngăn ngừa được nguy cơ bệnh tật mà cũng không thể duy trì được tình trạng sức khoẻ cần thiết cho một cuộc sống bình thường.

    Thực phẩm chức năng dù tốt đến đâu cũng chỉ là một trong những nguồn bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể. Nó không thể thay thế được những nguồn dinh dưỡng tự nhiên. Muốn khoẻ mạnh phải có những giải pháp đồng bộ và toàn diện. Phải duy trì một chế độ ăn uống hợp lý, xây dựng một lối sống lành mạnh khoa học để đạt tới một thể chất luôn luôn sung mãn và một trạng thái tinh thần luôn thanh thản và lạc quan. Luôn luôn phải như vậy để chủ động bảo vệ sức khoẻ bản thân và không bị tốn tiền vô ích vì thiếu hiểu biết.

    Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo “nổ” công dụng

    Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi trung ương (Hà Nội), hiện nay do đây không phải là thuốc nên số đăng ký lưu hành, đăng ký thực phẩm chức năng giống như đăng ký thực phẩm thông thường. Khi công khai sản phẩm ra thị trường cần phải kiểm tra rõ hàm lượng như công bố, có giấy chứng nhận khoa học, thường xuyên kiểm tra quảng cáo vì nhiều sản phẩm “nổ tung trời”.

    Mặc dù các cơ quan quản lý về y tế và sức khoẻ trên thế giới cũng như Việt Nam cũng đã có những quy định về việc quản lý chất lượng thực phẩm chức năng và ngăn cấm những quảng cáo quá mức, sai sự thật. Tuy nhiên các sản phẩm thực phẩm chức năng với những lời ca ngợi có cánh, kiểu giới thiệu lập lờ khiến người tiêu dùng khó có thể có sự chọn lựa đúng đắn cho mình.

    Ngay với Omega-3, sản phẩm được công nhận là cần thiết cho phát triển của não, ngăn ngừa các rối loạn mỡ máu và các bệnh tim mạch, nhưng nhà sản xuất vẫn bị cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ bắt ngừng quảng cáo vì dùng chữ “phát triển trí não”.

    Cách cung cấp kiểu bán hàng đa cấp với mục đích lôi kéo người mua bằng mọi giá để kiếm lợi dễ mang đến những thông tin thiếu chính xác và ngộ nhận. Nhất là với những “tiếp thị viên” không có kiến thức y học, thậm chí thiếu kiến thức văn hoá thông thường thì sự truyền đạt giới thiệu dễ thiên lệch và sai sót.

    Những hiểu biết không đúng đắn có thể khiến người dùng thực phẩm chức năng bỏ quên bữa ăn thông thường, lấy thực phẩm chức năng thay thế cho nguồn dinh dưỡng từ những thực phẩm tự nhiên. Nghĩa là dẫn từ chế độ ăn chưa hợp lý một cách vô tình đến chế độ ăn mất cân đối một cách chủ ý.

    Sự nguy hại còn lớn hơn nếu người tiêu dùng lấy thực phẩm chức năng thay thế thuốc chữa bệnh. Sự ngộ nhận này có nguyên nhân từ những quảng cáo thổi phồng quá mức và những chế phẩm thực phẩm chức năng được sản xuất và đóng gói tương tự như các dược phẩm.

    Mặc dù Bộ Y tế đã cấm kê toa và cấm quảng cáo sử dụng thực phẩm chức năng thay thuốc điều trị nhưng việc loại trừ hết những sai sót này là hết sức khó khăn. Mặt khác nếu hiểu thực phẩm chức năng là vô hại rồi dùng quá nhiều, dùng kéo dài liên tục nhiều tháng nhiều năm thì ngoài việc tốn kém tiền bạc còn mang lại nhiều tác hại không nhỏ.

    Nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng không đủ dữ liệu chắc chắn để đảm bảo an toàn

    Liên quan tới thực phẩm chức năng, mặc dù Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) điều chỉnh nhiều thông số trên bao bì thực phẩm và đồ uống, bao gồm “ít natri” và “ít chất béo”, nhưng điều đó không ngăn các công ty sử dụng các thuật ngữ không có định nghĩa chính thức được FDA chấp thuận, chẳng hạn như từ “tự nhiên”, thuật ngữ “net carbs” – hoặc “thực phẩm chức năng”.

    Nhiều loại thực phẩm chức năng thậm chí chưa được nghiên cứu nghiêm ngặt ở người, vì vậy không có đủ dữ liệu chắc chắn để đảm bảo cho các tuyên bố về sức khỏe.

    Ví dụ, tác động của cây cơm cháy đối với hệ thống miễn dịch chưa được chứng minh đầy đủ trong các tài liệu nghiên cứu và để nói chắc chắn rằng một loại nấm dược liệu hỗ trợ chức năng não là quá sớm. Nghiên cứu về các chất thích nghi còn hạn chế – và các kết luận đã đạt được không nhất thiết phải có ý nghĩa.

    Một yếu tố khác thường bị bỏ qua là trong nhiều trường hợp, lượng dược phẩm dinh dưỡng như nghệ được thêm vào thức ăn hoặc đồ uống ít hơn nhiều so với lượng đã được nghiên cứu. Các nghiên cứu thường sử dụng nồng độ cao hoặc dạng của một thành phần mà người tiêu dùng sẽ không tìm thấy trong thực phẩm như thanh protein hoặc bơ đậu phộng – nhưng có nhiều khả năng tìm thấy ở dạng bổ sung.

    Trong các trường hợp khác, nếu tiêu thụ nhiều loại thực phẩm chức năng trong chế độ ăn uống của mình, cần lưu ý rằng không tiêu thụ quá nhiều một thành phần nhất định. Ví dụ, các chất xơ như inulin hoặc rau diếp xoăn thường được thêm vào mọi thứ từ bánh mì đến bột protein, nhưng ăn quá nhiều có thể gây ra các vấn đề về dạ dày bao gồm đầy hơi nếu không cẩn thận về lượng tích lũy trong chế độ ăn uống của mình.

    Vì vậy, việc tìm hiểu về những gì sản phẩm cung cấp phù hợp với nhu cầu cụ thể của mỗi người cũng rất quan trọng. Nếu đã tiêu thụ nhiều protein, thì nên cân nhắc khi mua một sản phẩm bổ sung protein. Một loại thực phẩm hoặc đồ uống có thể trông hấp dẫn hơn vì nó có chứa một loại men vi sinh bổ sung, nhưng có khả năng chủng vi sinh vật trong sản phẩm không phải là loại vi sinh vật cụ thể mà người tiêu dùng cần.

    Thực tế, không có lượng thảo mộc ashwagandha hoặc theanine bổ sung nào có thể mang lại sự bình tĩnh nhất định cho cuộc sống nếu các yếu tố gây căng thẳng chính không được giải quyết thỏa đáng. Sẽ không cần thiết phải sử dụng bơ thực vật có bổ sung phytosterol (hợp chất được chứng minh là làm giảm cholesterol) nếu xét nghiệm máu cho thấy số lượng cholesterol nằm trong phạm vi lành mạnh.

    Việc ăn bất cứ thứ gì có bổ sung melatonin không tốt cho cơ thể lắm nếu đã ngủ đủ giấc hoặc nếu việc trằn trọc vào ban đêm chỉ là do thói quen vệ sinh giấc ngủ kém.

    Về bản chất, thực phẩm chức năng có xu hướng được chế biến, điều này làm tăng khả năng chúng chứa các chất phụ gia khác không tốt. Thực phẩm siêu chế biến, bao gồm soda, ngũ cốc có đường, đồ nướng và đồ ăn nhẹ đóng gói có liên quan đến bệnh béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao và một số bệnh ung thư.

    Ngoài ra còn có rủi ro là việc phụ thuộc vào thực phẩm chức năng và đồ uống để lấp đầy khoảng trống trong chế độ ăn uống có thể khiến người tiêu dùng ít có xu hướng ăn uống theo cách cân bằng dinh dưỡng. Hầu hết các chuyên gia sức khỏe đều cho rằng, mặc dù thực phẩm chức năng cũng có thể phù hợp với chế độ ăn uống cân bằng, nhưng chúng không phải là thuốc chữa bách bệnh và sẽ không bù đắp cho thói quen sức khỏe kém hoặc tình trạng sức khỏe hiện tại.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/thuc-pham-chuc-nang-lieu-co-tot-hay-chi-la-san-pham-duoc-no-tung-troi-ve-cong-dung-d213305.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img