19.8 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngThực phẩm bẩn đe dọa tới sự phát triển trí não của...

    Thực phẩm bẩn đe dọa tới sự phát triển trí não của trẻ nhỏ

    Date:

    Related stories

    Ngày nay, trẻ em tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, có nhiều đường và chất béo dễ gây tổn thương nghiêm trọng đến não bộ, làm suy giảm khả năng học tập và gây ra các vấn đề về cảm xúc, như: Lo âu, căng thẳng, trầm cảm…

    Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, chuyên gia về khoa học não bộ ứng dụng, giảng viên tại Đại học Kinh doanh quốc tế Amsterdam (AMSIB) thuộc Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam cho biết, đường ruột là một hệ thống chứa tới 100 triệu nơ-ron thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất serotonin, hormone quan trọng điều chỉnh cảm xúc. Vì vậy, việc duy trì sức khỏe đường ruột thông qua chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ tác động đến hệ tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của trẻ.

    Thế nhưng, ngày nay, trẻ em tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn, có nhiều đường và chất béo dễ gây tổn thương nghiêm trọng đến não bộ, làm suy giảm khả năng học tập và gây ra các vấn đề về cảm xúc, như: Lo âu, căng thẳng, trầm cảm… Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, đã có nghiên cứu xác định, trẻ ăn uống nhiều thực phẩm “bẩn”, không lành mạnh khiến khả năng giải toán giảm đến 20%. Các nhà khoa học trên thế giới cũng đã tiến hành so sánh các trẻ béo phì, ăn nhiều đồ ăn nhanh, thiếu lành mạnh có điểm số đi xuống so với trẻ có cân nặng bình thường. Về vấn đề này, vị chuyên gia đã liên hệ với một món ăn luôn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm được bán ở cổng trường mỗi ngày và ví von: “Xiên “bẩn” mỗi ngày, teo ngay bộ não”.


    Ảnh minh họa

    Xiên “bẩn” là cách nói về những xiên que thực phẩm (Cá viên, xúc xích, thịt nướng…) được bày bán tại vỉa hè gần các trường học, đối tượng phục vụ chủ yếu là các bạn học sinh, sinh viên. Đặc trưng của món ăn “3 không” (không nguồn gốc; không tiêu chuẩn, chất lượng; không hạn sử dụng) này đều được chiên, rán ngập dầu, chấm và ăn cùng tương ớt.

    Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học – Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho rằng, các loại thực phẩm này đều không rõ nguồn gốc do người dân tự sản xuất, chưa có sự kiểm định và bảo đảm chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng.

    Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh bày tỏ lo ngại, khi những xiên que thực phẩm này được chiên rán ở nhiệt độ cao thường không còn giữ được các chất dinh dưỡng cần thiết. Hơn nữa, nếu người sản xuất tái sử dụng dầu ăn nhiều lần để chiên, rán những thực phẩm này thì hàm lượng chất béo chuyển hóa của món ăn đó sẽ tăng gấp 2-6 lần. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh lý tiêu cực cho sức khỏe, như: Máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp… Nguy hại hơn, chất Acrolein trong dầu mỡ cháy không chỉ gây ngộ độc, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, hệ tiêu hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư, béo phì…

    Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đa phần học sinh, sinh viên còn tâm lý chủ quan, không quá quan tâm đến hệ quả về sau đối với sức khỏe khi tiêu thụ quá nhiều thịt xiên “bẩn”. Thậm chí, dù nhận thức rằng, thực phẩm này không bảo đảm vệ sinh nhưng vì giá rẻ và hương vị thơm ngon nên họ vẫn ăn mỗi ngày. Khi một thói quen ăn uống không lành mạnh đã được thiết lập, một vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại xuất hiện giống như một “cơn nghiện”, nhất là với những trẻ thừa cân, béo phì khó thoát ra khỏi vòng xoáy này.

    Chia sẻ về giải pháp khắc phục tình trạng thừa cân, béo phì và việc “nghiện” thực phẩm hay thịt xiên “bẩn” ở trẻ, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, thời gian sinh hoạt, học tập chủ yếu trong ngày của học sinh là tại trường. Điều này khiến trường học trở thành một môi trường lý tưởng để giải quyết những vấn đề sức khỏe đại chúng ở quy mô lớn. Vì vậy, giải pháp của vấn đề này là giáo dục dinh dưỡng cho trẻ ngay từ trường học. Nên dạy trẻ về thức ăn, về lối sống lành mạnh, để trẻ biết rằng ăn cái gì thì tốt cho sức khỏe và ăn cái gì sẽ gây hại.

    “Cùng với đó, xây dựng một chế độ ăn uống cân đối, lành mạnh, giàu chất xơ và dưỡng chất không chỉ ở gia đình mà còn ở trường học để hỗ trợ sự phát triển toàn diện cho trẻ. Một bữa ăn học đường cân bằng sẽ cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu nhằm hỗ trợ sự phát triển thể chất, hiệu suất học tập và ổn định tâm lý cho trẻ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai lưu ý.

    Đề cập đến vấn đề dinh dưỡng học đường giúp trẻ phát triển cả về thể lực và trí tuệ, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Dương – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế, ngoài sự nỗ lực, chủ động của nhà trường và các tổ chức giáo dục, cần có sự tham gia của gia đình, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng. Phụ huynh cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cả ở trường và tại gia đình. Các doanh nghiệp thực phẩm cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh và tham gia vào các chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/thuc-pham-ban-de-doa-toi-su-phat-trien-tri-nao-cua-tre-nho-d226470.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img