Từ năm 2004, thuật ngữ ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) đã lần đầu tiên xuất hiện trong báo cáo của Liên Hợp Quốc, song phải đến những năm 2020, ESG mới trở thành xu hướng đối các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, việc thực hiện ESG cũng khiến không ít tổ chức lúng túng.

Thực hành ESG thể hiện rằng các tổ chức hay nhà đầu tư đang có trách nhiệm hơn trong việc phát triển bền vững, thực hành đạo đức, quản lý để tạo ra giá trị dài hạn cũng như giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện báo cáo ESG dưới đây là những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải:

Dữ liệu

Một trong những thách thức lớn khi thực hiện báo cáo ESG chính là sự thiếu tiêu chuẩn hóa về dữ liệu. Trong báo cáo ESG rất đa dạng dữ liệu liên quan tới môi trường và xã hội, dẫn tới việc rất khó khăn cho các doanh nghiệp khi đem ra so sánh và đánh giá các nguồn dữ liệu khác nhau. Theo nghiên cứu của Diligent (tổ chức chuyên nghiên cứu về giải pháp ESG), có tới hơn 60% các doanh nghiệp đang bị hạn chế khả năng thu thập, phân tích và báo cáo các dữ liệu liên quan tới ESG. Hiện có rất nhiều các tiêu chuẩn khác nhau về phát triển bền vững, các tiêu chuẩn này thường không thống nhất về dữ liệu. Vì vậy, nếu kết hợp nhiều tiêu chuẩn lại sẽ dẫn tới tình trạng “loạn” thông tin đối với doanh nghiệp.

Nhân lực và tài chính

Báo cáo ESG là một quy trình yêu cầu sử dụng rất nhiều nguồn lực và năng lực tài chính, vì thế có thể nói đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp không chỉ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thêm vào đó, báo cáo ESG không có liên kết rõ ràng với báo cáo tài chính của doanh nghiệp, vì vậy các tổ chức sẽ không có nhận thức rõ ràng trong việc tác động của báo cáo bền vững ảnh hưởng như thế nào tới lợi nhuận của họ. Ngoài ra, đầu tư vào báo cáo ESG là một khoản đầu tư dài hạn và yêu cầu sự cam kết liên tục. Cụ thể, để có thể theo dõi toàn diện và giám sát hiệu quả dữ liệu, các tổ chức phải đầu tư rất nhiều vào công nghệ, con người và hệ thống.

Trong khi đó, nhân lực có kiến thức chuyên môn cao về ESG phải được đào tạo hoặc thuê để duy trì mức độ hiệu quả của báo cáo ESG thường có chi phí rất cao.

ESG hiện đã phát triển thành một khuôn khổ toàn diện bao gồm các yếu tố chính xung quanh tác động môi trường và xã hội, cũng như cách sửa đổi cơ cấu quản trị doanh nghiệp để tối đa hóa phúc lợi của các bên liên quan.

Ngoài ra, khi đưa ESG vào chiến lược cốt lõi của doanh nghiệp có thể dẫn đến việc tổ chức phải tái thiết và phân bổ lại nguồn lực cho toàn bộ hệ thống của mình. Điều này có thể bao gồm việc thay đổi quản trị chuỗi cung ứng, phát triển sản phẩm hoặc các chức năng khác của doanh nghiệp.

Thực thi

Tuân thủ các quy định là một trong những khía cạnh quan trọng để thực hiện báo cáo ESG, bao gồm việc tuân thủ luật pháp, quy tắc và quy định do Chính phủ và cơ quan có liên quan. Những luật định này có thể thay đổi theo quốc gia, ngành, thậm chí kể cả quy mô của doanh nghiệp. Vì vậy, việc gặp những thách thức trong việc thực thi các luật định cũng là vấn đề nan giải mà các tổ chức và công ty cần phải giải quyết.

Có thể thấy rằng, việc thực hiện báo cáo ESG theo từng khu vực đang gây ra những thách thức cực lớn cho các tổ chức. Họ cần phải nắm bắt chặt chẽ các quy định và luật pháp cụ thể của từng khu vực để tránh dẫn tới tình trạng vi phạm và ảnh hưởng tới khả năng vận hành của doanh nghiệp.

Trước những thách thức trên, hiện phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đứng ngoài các hoạt động tiến tới đạt tiêu chuẩn ESG. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do cả yếu tố khách quan và chủ quan.

VNCPC

https://vncpc.org/thuc-hanh-esg-nhung-thach-thuc-doi-voi-doanh-nghiep/