21 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng Một 20, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngThịt viên nhân tạo hàm lượng dinh dưỡng cao có thể được...

    Thịt viên nhân tạo hàm lượng dinh dưỡng cao có thể được sản xuất hàng loạt

    Date:

    Related stories

    Nhóm nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, nhờ một enzyme hỗ trợ, họ có thể tạo ra miếng thịt viên nhân tạo lớn cỡ centimet có hàm lượng dinh dưỡng cao.

    Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Thanh Hoa và Đại học Nông nghiệp Nam Kinh cho biết họ phát triển một hệ thống nuôi cấy tế bào kín bằng gelatine 3D ăn được, đóng vai trò như khung giàn mở rộng cho tế bào. Sử dụng hệ thống này, họ nhận thấy sự mở rộng tế bào tăng gấp 20 lần trong 7 ngày, cao hơn nhiều so với mức tăng 10 lần trong những nghiên cứu trước đây. Nhóm tác giả nghiên cứu nuôi cấy tế bào cơ bắp và tế bào chất béo của lợn trước khi đặt chúng vào khuôn in 3D. Nhờ một enzyme hỗ trợ, họ có thể tạo ra miếng thịt viên lớn cỡ centimet.

    Theo nhóm nghiên cứu, phương pháp sản xuất thịt nhân tạo như vậy cho phép tái tạo sinh học các sản phẩm từ thịt xay như thịt viên và xúc xích ở quy mô lớn, giúp đổi mới thực đơn thịt trong tương lai. Họ công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Biomaterials.

    Các nhà nghiên cứu thậm chí so sánh giá trị dinh dưỡng của thịt nuôi cấy với shizitou, món thịt lợn viên truyền thống của Trung Quốc. Họ nhận thấy thịt viên nuôi cấy chứa khoảng 70% protein, 4% chất béo và 6% carbohydrate cùng với những khoáng chất thiết yếu như kẽm, canxi và sắt. Trong khi đó, shizitou chỉ chứa lượng protein bằng 1/5 và lượng chất béo bằng 1/3 so với thịt nuôi cấy, dù có lượng calo thấp hơn. Do đó, thịt viên nuôi cấy có thể trở thành giải pháp dinh dưỡng thay thế sản phẩm từ thịt lợn xay.


    Trung Quốc có thể sản xuất thịt viên nhân tạo có hàm lượng dinh dưỡng cao. Ảnh: VnExpress/Corbis

    So với sản xuất thịt kiểu truyền thống, thịt nuôi cấy đòi hỏi ít tài nguyên và ít ảnh hưởng tới môi trường hơn. Một đánh giá chu kỳ vòng đời gần đây của CE Delft, tổ chức nghiên cứu và tư vấn ở Hà Lan, phát hiện thịt nuôi cấy sử dụng ít đất hơn thịt truyền thống và thải ra lượng carbon thấp hơn nhiều.

    Nhóm nghiên cứu ở Đại học Nông nghiệp Nam Kinh tạo ra thịt lợn nuôi cấy đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 2019. Một năm sau, họ tạo ra 50g thịt nuôi cấy trong 20 ngày. Họ tổ chức một sự kiện ăn thử vào tháng 6/2020 và những người tham gia cho biết thịt nuôi cấy “có vị giống như thịt lợn thường”, theo Science Daily.

    “Chúng tôi cho rằng ngành công nghiệp thịt nuôi cấy sẽ phát triển nhanh chóng với sự đồng bộ hóa giữa công nghệ, luật pháp, sự chấp nhận của người tiêu dùng, mang lại các sản phẩm thịt ngon miệng, lành mạnh và bền vững hơn cho người tiêu dùng trong tương lai”, Ding Shijie, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

    Trước đó, Công ty thực phẩm Good Meat (Mỹ) cũng đã bắt đầu xây dựng 10 lò phản ứng sinh học lớn nhất thế giới, tạo ra một loại thịt giống thịt nuôi trang trại.

    Công ty Good Meat ước tính các lò phản ứng sinh học mới này sẽ có khả năng cung cấp ra thị trường 13.700 tấn thịt gà hoặc thịt bò hằng năm.

    Theo Hãng tin Sputnik, Good Meat là công ty đầu tiên tại Mỹ bán thịt nuôi trong phòng thí nghiệm (thịt nhân tạo) với mục đích thương mại. Nơi đây đã cung cấp món thịt gà chiên cốm cho một nhà hàng ở Singapore từ năm 2020.

    Việc xây dựng tổ hợp 10 lò phản ứng sinh học mới đã được bắt đầu tại Mỹ. Mỗi lò phản ứng sinh học sẽ cao khoảng 17m và có sức chứa 250.000 lít chất nuôi cấy tạo ra thành phẩm thịt. Cơ sở này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024.

    Công ty cũng đang xây dựng một lò phản ứng sinh học 6.000 lít tại Singapore, dự kiến ​​hoàn thành vào đầu năm 2023.

    Hiện tại, các công ty đang tập trung vào việc sản xuất thịt băm hoặc xay, cùng với việc chế biến thịt này thành thức ăn đưa đến tay khách hàng. Tuy nhiên, việc tạo ra các miếng thịt khác nhau, như bít tết có xương chữ T hoặc thịt thăn lại khó hơn nhiều.

    Thịt từ động vật giết mổ có gân, mỡ và cơ. Độ tuổi và mức độ vận động của một con vật, đặc biệt là các bộ phận cơ thể, đều có tác động mạnh đến kết cấu và hương vị thịt của nó. Đây là một thách thức không nhỏ của thịt nuôi trong phòng thí nghiệm khi muốn “chinh phục” người tiêu dùng về lâu dài.

    Một báo cáo của Công ty Barclays (Anh) cho biết, thị trường thịt nhân tạo có thể đạt giá trị 140 tỉ USD vào năm 2030. Vào năm 2013, một nhóm khoa học gia người Hà Lan tuyên bố chế tạo thành công thứ họ khẳng định là chiếc bánh mì kẹp thịt nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Kể từ đó, lĩnh vực thịt nhân tạo nhận được sự quan tâm lớn cùng nhiều bước tiến đáng kể.

    Đến tháng 12/2020, Singapore trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bán thịt nhân tạo. Công ty Eat Just (Mỹ) khi đó thông báo thịt gà “sản xuất trong phòng thí nghiệm” của họ đã được cấp phép sau khi vượt qua bài kiểm tra an toàn của Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA). Công ty này còn khẳng định đây là “một bước đột phá của ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu”, có thể mở ra cánh cửa đi đến tương lai không giết mổ động vật để lấy thịt.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/trung-quoc-san-xuat-thit-vien-nhan-tao-hang-loat-co-ham-luong-dinh-duong-cao-d202242.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img