Thịt làm từ thực vật hay còn gọi là thịt giả (fake meat) hứa hẹn sẽ thay thế dần thịt động vật trong tương lai, với dự báo chiếm 60% đến năm 2020, giúp ngành nông nghiệp giảm phát thải ra môi trường – một giải pháp bảo vệ môi trường, góp phần vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Sản xuất thịt bằng cách nuôi gia súc, gia cầm tại các trang trại đang thải ra hàng tấn khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhiều nhà phân tích cảnh báo thế giới không thể ngăn chặn biến đổi khí hậu nếu không kìm hãm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khổng lồ từ ngành nông nghiệp.

Các gia súc, gia cầm nuôi nhốt trong các chuồng trại cũng được cho ăn kháng sinh liều thấp liên tục để bảo đảm chúng không bị bệnh nhưng điều này đang góp phần tạo ra các siêu vi khuẩn kháng mọi loại thuốc kháng sinh, một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Ngoài ra, gia súc, gia cầm nuôi ở các chuồng trại thường bị đối xử độc ác và người tiêu dùng Mỹ nói chung phản đối cách nuôi như vậy.


Thịt làm từ thực vật hay còn gọi là thịt giả (fake meat) đang lên cơn sốt ở Mỹ và hứa hẹn sẽ trở thành một trong những nguồn protein chủ lực thay thế dần thịt động vật trong tương lai.

Khởi nghiệp với ý định sản xuất ra loại thịt từ thực vật, Công ty Beyond Meat (Mỹ) dự định áp dụng công nghệ hiện đại lên các sản phẩm nông nghiệp để mang tới tay người tiêu dùng “thịt giả từ cây”. Các sản phẩm như hamburger nhân thịt thực vật, xúc xích thịt heo giả, thịt gà giả… đang ngày càng được người tiêu dùng Mỹ yêu chuộng.

Công ty Beyond Meat (Mỹ) bán các sản phẩm “thịt thực vật” như Beyond Burger, Beyond Beef, Beyond Chicken, Beyond Sausage, có mùi vị kết cấu như thịt bò, thịt gà và thịt heo thật. Các sản phẩm thịt giả của Beyond Meat là sự kết hợp giữa protein đậu Hà Lan, dầu dừa và một số thành phần khác.

Hiện nay ở các quốc gia phương Tây đã xuất hiện những công ty như Beyond Meat, Impossible Foods và Just Foods chuyên sử dụng thành phần thực vật để làm bánh burger, trứng nghiền…

Thịt được cấu tạo nên bởi các thành phần chính: amino acid, lipid và nước, ngoài ra còn có thêm một số khoáng chất và carbohydrate, những chất này cũng tồn tại ở thực vật. Thử thách đặt ra chính là chiết xuất được chất đó từ cây cỏ và biến chúng trở thành thịt.

Những sản phẩm này ngày càng có mùi vị giống thịt thật nên rất khó để phân biệt chúng với thịt động vật. Các đột phá trong khoa học thực phẩm giúp các công ty sản xuất thịt thay thế dễ dàng bắt chước mùi vị và kết cấu của thịt thật.

Các chuyên gia dự đoán đến năm 2040, hầu hết sản phẩm “thịt” con người tiêu thụ không xuất phát từ động vật mà 60% trong đó có nguồn gốc thực vật.

Trong tương lai, thay vì thịt truyền thống, con người có thể chuyển sang sử dụng thịt làm từ thực vật không chỉ đảm bảo dinh dưỡng mà còn giúp bảo vệ môi trường, góp phần vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu…

Con người chỉ tiêu thụ 30% từ cơ thể động vật, số còn lại đều bị lãng phí. Sản xuất thịt theo phương thức mới sẽ giúp giải quyết 4 vấn đề: biến đổi khí hậu, chăm sóc động vật, nguồn tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe con người.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, nếu loài người hạn chế tối đa lượng thịt tiêu thụ mỗi năm, có thể giúp đạt được 1/4 mục tiêu giảm nhiệt độ toàn cầu xuống 2oC.

Thịt từ thực vật đang được hy vọng giúp con người thay đổi được thói quen ăn uống mà còn góp phần vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu.

Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn (28/6/2019)