Mùa đông đến, túi sưởi được nhiều gia đình sử dụng. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, túi sưởi là một trong những sản phẩm giữ ấm cơ thể tiềm ẩn nguy cơ nổ rất cao cần thận trọng khi dùng.

Trong những ngày lạnh, nhu cầu sử dụng túi sưởi, túi chườm ấm đa năng rất cao. Chính nhu cầu này mà hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại túi sưởi khác nhau như: túi chườm nóng bằng điện, túi chườm bụng giữ ấm cho trẻ, túi chườm nóng lạnh, túi chườm đa năng… Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là loại túi chườm đa năng dạng lỏng, có cắm điện, được bọc bên ngoài bằng vật liệu mềm, khá bắt mắt.

Sở dĩ những loại túi chườm này được nhiều người ưa chuộng cũng vì giá thành rẻ, màu sắc bắt mắt, có khả năng giữ nhiệt. Ngoài ra, theo như quảng cáo, túi sưởi có khả năng giúp sưởi ấm cơ thể 6-8 tiếng đồng hồ. Cấu tạo thông thường của túi sưởi gồm có cực điện làm nóng trong môi trường nước muối loãng, rơle khống chế nhiệt ở khoảng 60-70 độ tùy sản phẩm. Túi có bộ phận cách điện và không cách nhiệt là các lớp vải nhựa giữ nước bên trong giúp nhiệt tỏa ra sưởi ấm.

Túi sưởi cũng như bất kỳ loại đồ điện nào đều có thể gây họa cho người dùng nếu thiếu hiểu biết khi sử dụng. Không ít người vừa cắm điện cho túi vừa ôm, thậm chí ngồi, đè lên túi sưởi… túi dùng lâu bị hở, bục, rách dễ gây chập điện hoặc bỏng.


Dùng túi sưởi mùa đông cần thận trọng kẻo cháy nổ. Ảnh minh họa

Một sự cố xảy ra trước đó với một bé gái 17 tháng tuổi tại Nghệ An. Theo đó cô bé được đưa vào Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cấp cứu trong tình trạng bị bỏng nặng mông bẹn, bộ phận sinh dục do túi sưởi đặt trong lòng bé phát nổ khi đang sạc.

Theo chị Nguyễn Thị Lan, mẹ cháu bé, thời tiết lạnh nên dùng túi sưởi ấm cho con. Túi chườm bị nổ khi đang sạc và lại để trong lòng của bé nên trẻ bị bỏng nặng, nước từ túi sưởi chảy ra cũng khiến người mẹ bỏng nhẹ ở chân.

Tiếp đến, một bé gái tên H tại Tuyên Quang cũng bị bỏng nặng do chiếc túi sưởi đang cắm điện trong nhà bỗng vỡ tung, nước sôi bên trong bắn tung tóe vào người bé H. Ngay sau đó, bé được đưa tới cơ sở y tế địa phương cấp cứu và hiện đang điều trị tại Viện Bỏng quốc gia. Bé bị bỏng sâu 3% diện tích cơ thể và sẽ phải phẫu thuật ghép da. Đây là lần đầu tiên Viện bỏng quốc gia tiếp nhận bệnh nhân bỏng do túi sưởi.

Liên quan tới túi sưởi, PGS.TS Nguyễn Đức Lợi (nguyên giảng viên Viện Khoa học & Công nghệ Nhiệt – Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội), túi sưởi là sản phẩm giữ ấm được nhiều người ưa chuộng vì ngay lập tức giúp cơ thể ấm lên nhanh chóng mà không cần chờ đợi, rất thích hợp dùng vào những ngày rét đậm như hiện nay. Mặc dù vậy, túi sưởi là một trong những sản phẩm giữ ấm cơ thể tiềm ẩn nguy cơ nổ rất cao nên khi sử dụng phải đặc biệt thận trọng.

Luôn để xa tầm tay trẻ em

Trẻ nhỏ là nhóm đối tượng hay tò mò, hiếu động. Khi sạc túi sưởi giữ nhiệt cần để tránh xa khu vực trẻ có thể với tay tới. Nếu không có thể có nguy cơ bị điện giật vô cùng nguy hiểm.

Chưa kể, túi sưởi có độ bền cơ học không cao, có thể bị vỡ nổ khi gặp lực tác động mạnh từ bên ngoài như nằm đè lên, trẻ nhỏ chạy nhảy, dẫm đạp vào… Trong khi đó, trẻ nhỏ là nhóm đối tượng không lường trước được những vấn đề này nên cần hết sức cẩn trọng. Tốt nhất, nên để túi sưởi xa tầm tay của trẻ. Do đó, hãy để xa khu vực vui chơi của trẻ, phải theo dõi liên tục khi sạc điện. Khi túi đủ nóng thì ngắt điện ngay. Nếu cho trẻ dùng túi sưởi thì phải ở bên cạnh canh chừng thường xuyên.

Ở góc độ chuyên môn, chuyên gia cho biết, người dùng cần thường xuyên kiểm tra rơ le nhiệt của túi sưởi. Đây là bộ phận nếu bị hỏng thì khi nạp điện vào, nhiệt độ túi sưởi tăng lên sẽ gây nổ, hậu quả vô cùng khó lường.

Tuyệt đối không sử dụng túi sưởi đã bị rò rỉ

Túi sưởi bị rò rỉ thường có dấu hiệu tràn dung dịch trong túi ra ngoài. Lúc này, việc cắm sạc để dùng túi sưởi có thể khiến túi sưởi phát nổ, nguy cơ bị bỏng cũng như điện giật là điều khó tránh.

Ngoài ra cũng không được tự ý dùng dung dịch khác thay thế dung dịch chuyên dụng trong túi sưởi vì điều này rất khó lường. Một loại dung dịch không rõ ràng có thể gây phản ứng, gặp điều kiện nhiệt nóng có thể phát nổ rất nguy hiểm.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết thêm, chất lỏng trong túi sưởi là một dung dịch khác với các loại nước lọc thông thường. Đó là một dung dịch chuyên dùng để đốt nóng. Việc tự ý đổ dung dịch từ túi sưởi ra ngoài hay đổ dung dịch thay thế đều có thể gây ra nguy hiểm. Một số người vì tiết kiệm đã cố vá túi sưởi bị thủng để dùng lại. Hành động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Khi may vá, túi sưởi càng có nguy cơ cao bị bục túi, dễ bị phát nổ khi sạc điện. Do đó, chỉ cần phát hiện túi bị rò rỉ dịch, tốt nhất nên thay túi mới ngay.

An Dương (T/h)
http://vietq.vn/than-trong-khi-dung-tui-suoi-trong-nhung-ngay-ret-dam-ret-hai-d182700.html