Nếu chúng ta không có ý thức bảo vệ môi trường thì viễn cảnh rác thải ngập tràn trong thế giới này là điều khó tránh khỏi.

Ngày nay, công nghệ phát triển nhanh chóng hỗ trợ cho cuộc sống con người rất nhiều. Dĩ nhiên đó là điều cần thiết để chúng ta đi đến thời đại mới. Song song đó, tăng cường trách nhiệm bảo vệ môi trường về việc thải bỏ sản phẩm điện tử cần được chú trọng hơn.

10 phút, 1.141 kg rác thải điện tử

Thay một chiếc tivi mới, anh Q.B (Bình Tân) rất hào hứng khám phá công dụng, chức năng của nó. Thế nhưng, anh lại chẳng biết xử lý thế nào với chiếc tivi cũ, bán đi cũng không đành vì theo anh nói “nó vẫn còn ngon, bán đi thì tiếc vì chẳng được bao nhiêu mà tivi cũ rồi không biết có ai cần dùng không”. Thế là chiếc tivi cũ vẫn nằm chình ình trong nhà mà anh Q.B vẫn lúng túng chẳng biết phải xử lý thế nào.

Rác thải điện tử đang hiện hữu trong đời sống của chúng ta (Nguồn cmaecocycle.net)

Tháng 2-2018, tờ Straits Times của Singapore có bài viết với thông tin đáng chú ý. Bài viết mở đầu có đoạn: Trong vòng 10 phút bạn đọc bài viết này thì có khoảng 1.141 kg các loại đồ điện, điện tử bị bỏ đi bởi người dân và các công ty trên toàn lãnh thổ Singapore. Trọng lượng này tương đương với khoảng 7.610 chiếc điện thoại di động. Theo số liệu của Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore, số lượng chất thải điện tử bị thải bỏ mỗi năm lên đến 60.000 tấn. Đó chưa phải là tất cả, nghiên cứu của trường ĐH Liên Hợp Quốc, ước tính khoảng 109.000 tấn chất thải điện tử, tương đương 19,5 kg/người, được tạo ra tại Singapore vào năm 2014. Điều này khiến đảo quốc nhỏ bé nằm ở vị trí thứ hai trong các nước thải bỏ chất thải điện tử ở khu vực. Vị trí đứng đầu là Hong Kong, kế sau Singapore là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Các thiết bị gia dụng như máy giặt, tủ lạnh, tivi chiếm phần lớn rác thải điện tử.

Không chỉ Singapore mà Mỹ và nhiều quốc gia khác cũng đau đầu với vấn đề rác thải điện tử. Trong khi đó, bạn biết rằng có đến 92% vật liệu bên trong chiếc điện thoại có thể được sản xuất thành thiết bị mới. Điều này rõ ràng là lợi hơn rất nhiều thay vì bỏ chung với các loại rác khác và chôn xuống đất hàng chục năm. Tại Việt Nam, theo thống kê của ĐH Liên Hợp Quốc, mỗi năm chúng ta thải ra khoảng 115.000 tấn rác thải điện tử, khoảng 1,34 kg/người. Báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội, lượng phát thải tivi ở Việt Nam vào năm 2025 có thể lên tới 250.000 tấn. TS Nguyễn Đức Quảng, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết lượng chất thải điện tử ở Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn. Nguồn phát sinh chủ yếu từ hộ gia đình, văn phòng, các bộ sản phẩm điện tử lỗi… Dù những con số này không đặt Việt Nam vào những nước có lượng rác thải bình quân đầu người cao nhưng nếu chúng ta không ý thức bảo vệ môi trường thì viễn cảnh rác thải dồn dập là điều khó tránh khỏi.

Chú trọng vào 3T

Để giải quyết vấn đề rác thải điện tử, nhiều ý kiến cho rằng 3T: “Tiết giảm, Tái chế, Tái sử dụng” vẫn là liều thuốc hữu hiệu. Với một số vật dụng điện tử, chúng ta thường cất trong ngăn kéo tủ và quên bẵng trong thời gian dài. Do vậy, sắp xếp lại vật dụng trong nhà và để bạn có thể quản lý chúng một cách tốt hơn.

Nhiều người có thói quen mua sắm sản phẩm mới dù đồ dùng đang sử dụng vẫn hoạt động tốt. Bởi chẳng qua đơn giản chúng là sản phẩm lỗi mốt, không hợp thời. Là công dân sống ở TP xanh, bạn nên cân nhắc trước khi mua sắm đồ điện tử mới, hãy xem liệu mình đã có món đó chưa hay có thể tái chế từ đồ dùng sẵn có. Đây cũng là cách hay để giảm chi tiêu cho ngân sách của bạn.

Khi thật sự cần thiết phải mua thiết bị mới, nếu sản phẩm cũ vẫn sử dụng được, bạn có thể tặng lại những người đang cần. Hãy để đồ dùng cũ tiếp tục phát huy công năng, phục vụ cho cuộc sống con người.

Với rác thải điện tử, bạn không nên bỏ chung với các loại rác khác và hãy mang chúng đến các điểm thu gom. Tại TP.HCM, bạn có thể đem đến các điểm thu gom theo danh sách của Sở TN&MT TP.HCM công bố, tham gia đổi rác lấy quà tại Ngày hội Tái chế, Ngày hội Sống xanh… được tổ chức hàng năm. Hoặc, bạn có thể liên hệ với Chương trình Việt Nam tái chế, sẽ có tình nguyện viên đến tận nơi để thu gom.

Theo MT/plo.vn (25/07/2018)