26 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngTàn thuốc lá không chỉ là rác mà còn gây ô nhiễm...

    Tàn thuốc lá không chỉ là rác mà còn gây ô nhiễm lớn thứ 2 trên toàn cầu

    Date:

    Related stories

    Theo nghiên cứu mới đây nhất cho thấy, tàn thuốc và bao bì thuốc lá gây thiệt hại lên đến 26 tỉ USD mỗi năm về mặt quản lý chất thải và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái biển.

    Trung tâm Quản trị tốt về kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC) có trụ sở tại Thái Lan cho biết, chi phí giải quyết thiệt hại do ô nhiễm nhựa từ thuốc lá trong 1 thập kỷ ước tính lên tới 186 tỉ USD (thay đổi theo lạm phát).

    Bà Deborah Sy, tác giả nghiên cứu, viết trên tạp chí Tobacco Review vào ngày 4/12: “Các quốc gia đang đạt được tiến bộ trong việc phát triển các chính sách về nhựa, đặc biệt là cấm các sản phẩm sử dụng 1 lần, nhưng chi phí giải quyết ô nhiễm do nhựa của thuốc lá gây ra vẫn bị ngó lơ”.

    Trong khi đó tàn thuốc lá là một trong những vật bị xả rác nhiều nhất và là dạng ô nhiễm lớn thứ 2 trên toàn cầu. Mặc dù bên trong thuốc lá có các đầu lọc nhưng nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng chúng không thể làm giảm tác hại của việc hút thuốc.

    Các chuyên gia cũng xếp đầu lọc thuốc lá vào nhóm chất thải nguy hại vì nó chứa các sợi vi nhựa và hàng trăm hóa chất độc hại khác bao gồm nicotin cùng các kim loại nặng như chì, asen và cadmium.


    Tàn thuốc lá gây ra ô nhiễm môi trường toàn cầu. Ảnh minh họa

    Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách xem đầu lọc thuốc lá là loại nhựa sử dụng một lần và cấm chúng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.

    “Tàn thuốc lá không chỉ là rác. Chúng còn là một quả bom hẹn giờ độc hại đối với môi trường sống của chúng ta”, bà Sy nói.

    Theo số liệu từ WHO, Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thuốc lá lớn nhất thế giới. Quốc gia này có hơn 300 triệu người hút thuốc – gần bằng 1/3 tổng số toàn cầu. Hơn 1 triệu người Trung Quốc chết mỗi năm hay 3.000 ca tử vong mỗi ngày vì các bệnh gây ra bởi thuốc lá như ung thư, bệnh phổi và bệnh tim.

    WHO cũng cho biết đất nước tỉ dân tốn khoảng 2,6 tỉ USD mỗi năm để dọn dẹp rác thải từ thuốc lá. Bà Sy ước tính Trung Quốc chịu trách nhiệm cho khoảng 20% chi phí xử lý thiệt hại do ô nhiễm nhựa từ thuốc lá của thế giới, vì dữ liệu về số lượng thuốc lá thương mại có đầu lọc bằng nhựa ở Trung Quốc vẫn chưa đầy đủ.

    WHO cũng cho biết thêm, thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong là do hút thuốc lá thụ động. Thuốc lá còn gây tổn thất đến kinh tế và gây hại đến môi trường.

    Việc trồng trọt và sản xuất thuốc lá đang đầu độc không khí, nước, đất, các bãi biển và đường phố của chúng ta bằng các chất hóa học, chất thải độc hại, tàn thuốc và vi nhựa. Trồng thuốc lá góp phần vào nạn phá rừng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Mỗi năm, khoảng 3,5 triệu ha đất bị phá để trồng thuốc lá và 600 triệu cây bị chặt để lấy gỗ sấy nguyên liệu thuốc, 22 tỷ tấn nước được sử dụng hàng năm để sản xuất thuốc lá, 84 tấn khí CO2 được thải ra hàng năm do sản xuất thuốc lá. Việc phá rừng dẫn đến suy thoái đất và làm giảm khả năng hỗ trợ các cây trồng khác của đất.

    Thuốc lá góp phần vào biến đổi khí hậu và giảm khả năng chống chịu với khí hậu. Ngành công nghiệp thuốc lá tạo ra khí nhà kính tương đương với 84 triệu tấn carbon dioxide, làm trái đất nóng lên và phá hủy các hệ sinh thái. Khí thải CO2 chính là một trong những nguyên nhân làm tăng nhiệt độ toàn cầu, gây nên những biến đối khí hậu tác động đến chính con người.

    Ở Việt Nam, hàng năm có khoảng 1,4% diện tích rừng bị phá để sản xuất thuốc lá. Những nơi trồng nhiều cây thuốc lá thường có tình trạng đất trở nên bạc màu, cằn cỗi… đặc biệt là những nơi trồng thuốc lá ở vùng đồi dốc. Trung bình mỗi vụ trồng thuốc lá dài 3 tháng, người nông dân phải sử dụng 16 loại thuốc trừ sâu và nhiều loại phân bón hóa học. Những hóa chất này làm ô nhiễm đất, không khí và nguồn nước của một vùng lớn khi mà chúng bị rửa trôi theo nước mưa. Về lâu dài, việc sử dụng nhiều hóa chất sẽ làm đất bị xói mòn, ảnh hưởng xấu đến môi trường và những nông dân trồng thuốc dễ bị mắc các bệnh, liên quan đến việc sử dụng hóa chất.

    Quá trình sản xuất thuốc lá tạo ra lượng chất thải rất lớn, trong đó ngoài những chất hữu cơ thông thường như bụi than, giấy vụn… và nhiều chất độc khác có trong bụi thuốc lá và môi trường không khí tại nơi sản xuất và khu vực lân cận, bao gồm chất dầu, chất dẻo và amoniac, etylen, glycol, nicotin… Trong khi đó, ở nước ta vẫn còn nhiều nhà máy sản xuất thuốc lá nằm trong các khu vực đông dân cư. Mặc dù doanh nghiệp đã chú ý giảm thiểu ô nhiễm như lắp đặt các hệ thống thiết bị hút gió, thông gió, song hoạt động của các nhà máy này vẫn ảnh hưởng xấu đến môi trường sống và sức khỏe người dân địa phương.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/tan-thuoc-la-la-mot-vat-bi-xa-rac-nhieu-nhat-gay-o-nhiem-lon-thu-2-tren-toan-cau-d216915.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img