18.3 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng Một 17, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngTại sao sử dụng sơn chống cháy phải được kiểm định theo...

    Tại sao sử dụng sơn chống cháy phải được kiểm định theo tiêu chuẩn mới?

    Date:

    Related stories

    Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) cho biết, khi lựa chọn sơn chống cháy, cần hết sức lưu ý, lựa chọn những sản phẩm đã được thử nghiệm, phải được kiểm định theo quy định.

    Sơn chống cháy được biết tới là giải pháp chống cháy an toàn, hiệu quả, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng bỏ dở công trình do sơn chống cháy không được nghiệm thu.

    Một doanh nghiệp tại Bắc Ninh cho biết, họ đã chi hàng tỷ đồng để sơn chống cháy toàn bộ kết cấu sắt thép của nhà xưởng. Tuy nhiên, công trình này của họ chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Tương tự, một doanh nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng chi hàng trăm triệu đồng để sơn chống cháy cho nhà xưởng nhưng chưa thể kiểm định.

    Không chỉ tốn rất nhiều tiền để đầu tư sơn chống cháy mà những doanh nghiệp này còn tốn rất nhiều chi phí để duy tu, bảo trì nhà xưởng, thiết bị máy móc bên trong công trình. Điều này khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình đưa nhà xưởng đi vào vận hành.

    Đây chỉ là hai trong số rất nhiều doanh nghiệp đang gặp phải những vướng mắc, không thể nghiệm thu công trình do liên quan tới sơn chống cháy. Theo các doanh nghiệp, hồ sơ thiết kế về PCCC của họ đều được phê duyệt, cho phép sử dụng sơn chống cháy. Tuy nhiên, sơn chống cháy lại không được nghiệm thu về PCCC.

    Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, những vướng mắc này chủ yếu xuất phát từ đơn vị tư vấn cho chủ đầu tư chưa chính xác, chủ đầu tư chưa nắm bắt rõ quy định pháp luật về PCCC, cùng với đó là do năng lực hạn chế của nhà thầu.


    Lựa chọn sơn chống cháy cần phải được kiểm định chất lượng theo quy định. Ảnh minh họa

    Theo lý giải của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, nội dung được thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy chỉ thông qua việc đặt ra giới hạn chịu lửa cho kết cấu công trình. Yếu tố này sẽ được lấy làm cơ sở đánh giá bậc chịu lửa cho công trình. Việc thẩm duyệt này sẽ không liên quan tới giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình.

    Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, nhiều hồ sơ thiết kế PCCC đưa ra giải pháp sơn chống cháy, tuy nhiên, trên thực tế, những giải pháp này chỉ mang tính dựa trên kinh nghiệm chứ không dựa trên thiết kế chịu lửa của công trình và khả năng chống cháy thực tế của các loại sơn hiện có trên thị trường. Điều đó dẫn tới tình trạng các dự án sau khi sơn chống cháy lại không được nghiệm thu về PCCC.

    Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, chủ đầu tư, các đơn vị sản xuất sơn chống cháy, nhà thầu thi công thường xem việc sử dụng sơn chống cháy như sử dụng sơn để hoàn thiện nội, ngoại thất mà không tính tới các nguyên tắc kỹ thuật khi sử dụng sản phẩm này. Chính vì thế, khi hoàn thiện công trình, dự án không đảm bảo an toàn về PCCC và không được nghiệm thu.

    Việc đưa ra phương án sử dụng sơn chống cháy trong thiết kế kết cấu công trình chỉ mang tính định hướng giải pháp, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH nhấn mạnh.

    Theo đó, chủ đầu tư, đơn vị thi công, thiết kế cần phải tính tính khả thi của phương án đã đưa ra. Nếu phương án bảo vệ chống cháy kết cấu công trình không khả thi, cần phải có giải pháp thay thế để đảm bảo giới hạn chịu lửa.

    Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng khuyến cáo, chủ đầu tư, nhà thầu khi lựa chọn sơn chống cháy, cần hết sức lưu ý, lựa chọn những sản phẩm đã được thử nghiệm, có số liệu liên quan tới thiết kế chịu lửa của kết cấu công trình và phải được kiểm định theo quy định.

    Theo Bộ Xây dựng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã giao Viện Khoa học công nghệ xây dựng chủ trì rà soát, sửa đổi QCVN 06:2022/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình, đảm bảo phù hợp thực tiễn của Việt Nam, cụ thể hơn các quy định để thuận tiện sử dụng cho các đối tượng công trình khác nhau, đảm bảo các nguyên tắc cơ bản về PCCC cho nhà và công trình.

    Về quy định về sơn chống cháy, Bộ Xây dựng cho biết, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06 về an toàn cháy cho nhà và công trình, trong tất cả các phiên bản đều không quy định về sơn chống cháy. Do đó việc kiểm định và nghiệm thu sơn chống cháy được thực hiện theo quy định tại Nghị định 79/2014/NĐ-CP, Nghị định 136/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi; QCVN 03:2021/BCA về phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

    Theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP thay thế cho Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/07/2014 thì sẽ không kiểm định giới hạn chịu lửa của sơn, vữa chống cháy hoặc vật liệu dùng để sản xuất các loại cửa, vách ngăn cháy mà kiểm định giới hạn chịu lửa của cấu kiện (cửa ngăn cháy, vách ngăn cháy, van ngăn cháy, kính ngăn cháy…), kết cấu (dầm, cột, sàn, tường…) được bảo vệ bằng chất và vật liệu chống cháy (sơn chống cháy, vữa chống cháy hoặc vật liệu chống cháy khác…).

    Mục đích của việc sử dụng kết cấu được bảo vệ bằng chất hoặc vật liệu chống cháy là nhằm nâng bậc chịu lửa cho nhà, công trình.

    Ví dụ, nhà khung thép tiền chế có bộ phận chịu lực là các kết cấu thép có giới hạn chịu lửa R15 (15 phút) thì có bậc chịu lửa là bậc IV, tuy nhiên nếu các kết cấu thép này được bọc bảo vệ bằng sơn chống cháy và đạt được giới hạn chịu lửa là R90 thì sẽ nâng bậc chịu lửa cho nhà lên thành bậc II (quy định tại Bảng 4 Quy chuẩn 06:2020/QCBXD).

    Đối với mỗi loại tiết diện, hình dạng (I, H , tròn, hộp, rỗng…) và kích thước của kết cấu thép khác nhau và vị trí bố trí khác nhau được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy đều phải thử nghiệm giới hạn chịu lửa để có kết quả cụ thể, tương ứng. Ví dụ một công trình xây dựng sử dụng kết cấu thép có các loại cột, dầm, kèo có các tiết diện, hình dạng (I, H tròn, hộp…) và kích thước khác nhau được bố trí ở vị khác nhau (chính giữa công trình, góc công trình hoặc chỉ có một mặt tiếp xúc với mặt lửa…) được bọc bảo vệ bằng một loại sơn chống cháy yêu cầu phải có giới hạn chịu lửa R60 phút thì từng loại cột, dầm, kèo thép này tùy theo từng hình dạng, kích thước và vị trí bố trí sẽ đều thử phải thử nghiệm đạt giới hạn chịu lửa R60 phút để xác định từng cấu tạo cụ thể của lớp sơn bọc bảo vệ tương ứng.

    Theo đó, trường hợp đã kiểm định sơn chống cháy theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP cho từng công trình cụ thể thì tiếp tục thi công và tổ chức nghiệm thu theo giấy chứng nhận kiểm định đã có cho sơn chống cháy.

    Trường hợp đã thi công sơn chống cháy nhưng chưa kiểm định thì có thể kiểm định bổ sung cho mẫu kết cấu được sơn chống cháy theo quy định của Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Còn đối với trường hợp đã thi công sơn chống cháy nhưng kiểm định không đạt yêu cầu, nếu không thẩm duyệt điều chỉnh thì có thể lựa chọn 1 số loại sơn chống cháy khác đạt chất lượng để thay thế sơn chống cháy đã thi công hoặc sử dụng các biện pháp bọc bảo vệ khác.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/tai-sao-su-dung-son-chong-chay-phai-duoc-kiem-dinh-theo-tieu-chuan-moi-d216419.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img