35.6 C
Hanoi
Thứ Hai, Tháng 7 28, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngTác hại nghiêm trọng từ thuốc giảm đau gắn mác "thảo dược"...

    Tác hại nghiêm trọng từ thuốc giảm đau gắn mác “thảo dược” không rõ nguồn gốc

    Date:

    Related stories

    Mặc dù không có chủ đích sử dụng thuốc giảm đau để cắt cơn đau nhưng nhiều người vẫn tìm đến những “thần dược” trị đau xương, khớp. Trong đó, không ít sản phẩm gắn mác thảo dược, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.

    Tác hại nghiêm trọng từ “thảo dược” không rõ nguồn gốc

    Người bệnh luôn có tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” hay “đói thì ăn, đau uống thuốc”. Với những lời quảng cáo ”có cánh” như thuốc ngoại nhập nên không ít người tin, thậm chí sẵn sàng bỏ số tiền lớn để mua dùng “điều trị triệt để, dứt điểm 100%” hay “không độc hại với cơ thể, hoàn toàn từ thảo dược tự nhiên”…

    Đặc biệt, với nhiều người mắc bệnh mạn tính như xương khớp, đái tháo đường, tăng huyết áp… việc sử dụng thuốc tân dược (tây y) kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi. Họ thường cho rằng thuốc Đông y lành tính và mang tới hiệu quả cao. Vì vậy, dù chưa thăm khám, người bệnh đã vội “đặt cược” tính mạng, sức khỏe của mình cho những may rủi, không thể lường trước hậu quả…

    Bà T.T.K.T (52 tuổi, ngụ Lâm Đồng) mắc viêm đa khớp dạng thấp từ năm 28 tuổi. Trong suốt 24 năm qua, bà sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm để kiểm soát các cơn đau. Từ năm 2020, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện teo cơ, phù toàn thân, mệt mỏi kéo dài, ăn uống kém. Sau đó, bà được chẩn đoán suy thận mạn, phải chạy thận định kỳ để duy trì sự sống.

    Tình trạng ngày càng trở nặng, bệnh nhân được chỉ định ghép thận. Người con gái quyết định hiến một quả thận để cứu mẹ. Ngày 23/7, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á phối hợp cùng êkíp Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca ghép thận. Quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, thận ghép hoạt động tốt.

    BS.CK1 Vũ Lệ Anh – Trưởng khoa Nội Thận, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, bà mắc nhiều bệnh lý nền như viêm đa khớp dạng thấp, loãng xương, béo phì nên nguy cơ cao sẽ gặp nhiều biến chứng sau ghép thận như nhiễm trùng, đái tháo đường. Hơn nữa, việc người bệnh sử dụng thuốc trị xương khớp thường xuyên cũng gây bất lợi trong phẫu thuật.

    Bác sĩ Lệ Anh cho rằng đây là lời cảnh tỉnh về tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc điều trị viêm khớp nếu không được theo dõi sát sao. “Nhiều người bệnh viêm khớp hiện vẫn lạm dụng thuốc giảm đau mỗi ngày. Thuốc có thể gây viêm thận kẽ cấp tính, viêm mạch thận, lâu dần dẫn tới suy thận mạn tính”, bác sĩ Lệ Anh nói.


    Sử dụng thuốc giảm đau không theo chỉ dẫn của bác sĩ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là các loại thuốc không rõ nguồn gốc, gắn mác ‘thảo dược”. (Ảnh minh họa)

    Theo ThS. BS Hà Việt Huy (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), bệnh viện thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch sau khi sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc để trị đau xương khớp.

    “Tình trạng lạm dụng corticoid trong cộng đồng ngày càng phổ biến, đặc biệt qua các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc, không định lượng. Dùng lâu dài, corticoid không chỉ gây suy tuyến nội tiết mà còn phá vỡ hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho nhiễm trùng nặng và nhiều biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Huy cảnh báo.

    Ông cũng khuyên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc giảm đau kéo dài nếu chưa được bác sĩ thăm khám. Những loại thuốc “uống vào thấy đỡ ngay” nhưng không rõ thành phần, không có đơn kê, chỉ mang lại hiệu quả tức thời nhưng có thể âm thầm phá hoại nội tiết và miễn dịch, dẫn tới hậu quả khôn lường khi bệnh bùng phát.

    Biến chứng nặng nề do lạm dụng thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc chứa corticoid

    Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận bệnh nhân T.V.M. (77 tuổi, trú tại Thanh Hóa) trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết nặng trên nền suy thượng thận. Cụ ông có tiền sử đau khớp mạn tính hơn 10 năm, thường xuyên tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc có pha trộn corticoid để giảm đau.

    Gần một tháng trước khi nhập viện, ông xuất hiện nhọt lớn vùng sau gáy, sốt cao liên tục và lơ mơ. Dù đã được điều trị kháng sinh tại cơ sở y tế địa phương trong khoảng 20 ngày, tình trạng không cải thiện, ý thức ngày càng xấu đi. Xét nghiệm cấy máu xác định bệnh nhân bị nhiễm tụ cầu vàng đa kháng (MRSA) – loại vi khuẩn nguy hiểm, có khả năng đề kháng cao với nhiều loại kháng sinh thông thường.

    Một phụ nữ 53 tuổi ở Tây Ninh cũng gặp biến chứng nghiêm trọng sau thời gian dài tự ý sử dụng thuốc uống giảm đau và thuốc bôi ngoài da không kê đơn. Chị bị tăng cân không kiểm soát, mặt tròn bất thường, mỡ tích tụ vùng bụng và vai. Sau thăm khám, chị được chẩn đoán mắc hội chứng Cushing do lạm dụng corticoid – một biến chứng phổ biến nhưng dễ bị bỏ qua trong cộng đồng.

    Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Đặng Hoài Nam, Phòng khám Đa khoa Medlatec Gò Vấp (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Chúng tôi từng gặp không ít bệnh nhân mắc hội chứng Cushing do dùng các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc có chứa corticoid. Thậm chí có trường hợp ngừng corticoid đột ngột sau thời gian dài sử dụng, cơ thể không thích nghi kịp dẫn đến suy thượng thận cấp tính – có thể gây tử vong nếu không xử trí kịp thời”.

    Tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau không chỉ phổ biến ở người cao tuổi có bệnh nền mà còn xuất hiện ở giới trẻ. Nhiều người có thói quen dùng thuốc ngay khi đau đầu mà không tìm hiểu nguyên nhân.

    Cuối tháng 6, bác sĩ Dương Minh Tuấn – Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về trường hợp bệnh nhân M. (21 tuổi), sinh viên năm cuối một đại học tại Hà Nội. Để đối phó với áp lực học hành, M. thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau kết hợp nước tăng lực để thức khuya ôn bài. Thói quen tưởng như vô hại đã khiến thận tổn thương nghiêm trọng. Đến khi xuất hiện triệu chứng như nôn ói, phù chân, kiệt sức sau kỳ thi, bệnh đã tiến triển nặng. Lúc nhập viện, chức năng thận chỉ còn dưới 20%, rơi vào suy thận mạn.

    Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Điệp (Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện E), hiện có rất nhiều loại thuốc giảm đau trên thị trường, mỗi loại có cơ chế, chỉ định và tác dụng phụ riêng. Việc sử dụng thuốc giảm đau cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh hậu quả không mong muốn.

    Thuốc giảm đau không kê đơn thường dùng để hạ sốt, giảm đau đầu, trị cảm cúm, đau bụng kinh, đau nhức răng… Tuy nhiên, nếu lạm dụng, các thuốc này có thể gây tổn thương gan, thận, dạ dày, tăng huyết áp… nếu sử dụng quá liều hoặc quá thường xuyên.

    Trong khi đó, corticoid là nhóm thuốc kháng viêm mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch, thường được dùng trong điều trị bệnh da liễu, viêm khớp, bệnh tự miễn, viêm phổi… Nếu dùng đúng chỉ định, liều lượng phù hợp, corticoid mang lại hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên, do thuốc dễ mua ngoài nhà thuốc nên nguy cơ lạm dụng rất lớn. Theo các bác sĩ, nếu dùng sai cách, kể cả chỉ một viên mỗi ngày trong nhiều tháng cũng có thể dẫn đến loãng xương nặng, suy tuyến thượng thận, tiểu đường, loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm trùng và đe dọa tính mạng.

    Các chuyên gia khuyến cáo: Người dân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín, không tự ý dùng thuốc, đặc biệt là các loại “gia truyền” không rõ nguồn gốc, để tránh hậu quả khôn lường cho sức khỏe.

    Theo An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/tac-hai-nghiem-trong-tu-thuoc-giam-dau-gan-mac-thao-duoc-khong-ro-nguon-goc-d235503.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img