Theo các chuyên gia về thực phẩm, hiện nay trên thị trường bán rất nhiều các gói gia vị dùng để tẩm ướp thực phẩm không rõ nguồn gốc gây ra nhiều mối nguy cho sức khỏe.
Tràn lan gói gia vị tẩm, ướp thực phẩm không rõ nguồn gốc
Hiện nay để tạo cho thực phẩm có màu sắc bắt mắt, thơm ngon nhiều người thường lựa chọn các gói gia vị sốt ướp, tẩm ướp trước khi chiên, rán hay chế biến thực phẩm. Tuy nhiên thực tế các loại gói gia vị này lại tiềm ẩn nhiều chất phụ gia, phẩm màu công nghiệp không được phép sử dụng trong thực phẩm gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Ghi nhận tại chợ Đồng Xuân – chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc, các sạp hàng bán gia vị, hàng khô bày la liệt dưới tầng một. Những mặt hàng chủ yếu tư thương nhập về là: gia vị nấu lẩu, xốt dùng để ướp thực phẩm nướng, bột chiên, viên xúp nấu phở, bún và các loại nấm khô, măng khô, mộc nhĩ… Tất cả đều được để trần trong những bao tải, những túi nilon buộc tạm bợ. Khách đến mua hàng chủ yếu là những quán bán phở, bán lẩu và mỗi lần mua không dưới vài chục cân gia vị.
Điều dễ nhận thấy nhất là tất cả các mặt hàng kể trên đều không có nhãn mác. Các chủ hàng chỉ cắm lên đó những tờ giấy đề nguệch ngoạc để chú thích cho mặt hàng của mình. Có rất nhiều gói gia vị lớn với màu sắc sặc sỡ trên bao bì toàn là chữ Trung Quốc hoặc chữ Thái Lan không hề có chú thích về sản phẩm, cách dùng…
Cảnh báo những gói gia vị tẩm ướp thực phẩm ẩn chứa phẩm màu công nghiệp. Ảnh minh họa
Tâm lý người tiêu dùng xưa nay vẫn ham của rẻ nên nhiều chủ cửa hàng bán hàng ăn có sử dụng gia vị loại này dù biết thì cũng giả điếc vì… lợi nhuận. Theo một chủ cửa hàng phở trên đường Giải Phóng (gần bệnh viện Bạch Mai) thì với một gói gia vị nước phở 20g sẽ pha được với 3 lít nước chỉ tốn chưa tới 10.000 đồng so với mua xương ống về ninh thì rẻ hơn nhiều!
Không chỉ có nước phở mà nhiều món ăn có sử dụng gia vị để tẩm ướp như bột chiên xù, nước sốt cà chua, bột ớt… đều có nguy cơ nhiễm độc Rhodamine B trong đó.
Thời gian trở lại đây các phương tiện thông tin nhiều lần đăng tải các vụ ngộ độc tập thể có liên quan đến chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc. Không ít trường hợp trong đó là do người sử dụng dùng gia vị bị nhiễm độc để chế biến món ăn.
Cụ thể, mới đây, thông tin một bệnh nhân 31 tuổi ở Hà Nội bị ngộ độc sau khi ăn món sốt vang bò ướp bột hoa hiên màu cam mua ở chợ đã khiến nhiều người lo lắng.
Theo thông tin từ Bệnh viện Xanh Pôn, bệnh nhân này bị tổn thương gan, biểu hiện nặng nhất là thiếu máu cấp với số lượng hồng cầu và huyết sắc tố đều giảm nặng. Sau khi tiến hành xét nghiệm gói bột màu dùng để nấu sốt vang đã, các bác sĩ xác định bệnh nhân ngộ độc với chất Acid Orage 7 hàm lượng 20%. Đây là chất dùng trong nhuộm công nghiệp, chủ yếu là nhuộm len, nếu sử dụng trong ăn uống có thể gây ngộ độc cấp tính, với liều lượng cao có thể gây suy gan, thận….
Nguy cơ từ gói gia vị tẩm ướp chứa phẩm màu công nghiệp
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho biết, tình trạng ngộ độc khi sử dụng các loại gia vị không rõ nguồn gốc đã được cảnh báo từ lâu, nguyên nhân chủ yếu là do người dân ham rẻ, mua phải những loại gia vị trộn ướp có phẩm màu công nghiệp không được phép sử dụng trong thực phẩm.
PGS Thịnh cho biết thêm, hiện có rất nhiều các loại gia vị được trộn sẵn thành những túi, lọ dạng sốt dùng để ướp các loại thực phẩm như gia vị ướp bò, gà, lợn, gia vị ướp đồ nướng… Nếu các loại sốt ướp này được cấp phép sản xuất và chứng nhận an toàn, đồng thời bao bì ghi rõ các thành phần phụ gia, liều lượng thì có thể sử dụng được tuy nhiên do lợi nhuận nhiều người kinh doanh các loại gói gia vị tẩm ướp không rõ nguồn gốc, cho quá liều, vượt quá hướng dẫn của nhà sản xuất thì gây hại cho sức khỏe, thậm chí ngộ độc.
Các loại sốt được pha chế sẵn, bán ngoài chợ được đựng trong các chai nhựa, không nơi sản xuất, không nêu thành phần phụ gia, không liều lượng sử dụng… Việc người dân tự mua về rồi ướp thực phẩm theo cảm tính có thể gặp nhiều nguy cơ, bởi không loại trừ việc người bán dùng phụ gia, phẩm màu công nghiệp để pha trộn. Nếu dùng với liều lượng cao thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Theo vị chuyên gia này, việc sử dụng các chất phụ gia không có trong danh mục cho phép và không đúng liều lượng, ngoài việc hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng sẽ gây nên ra ngộ độc thực phẩm cấp tính và mạn tính.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, việc dùng các sản phẩm, chất phụ gia không rõ nguồn gốc là tuyệt đối không nên vì sẽ ảnh hưởng ngay lập tức tới sức khỏe, thường gặp nhất là ngộ độc thực phẩm cấp tính.
Thậm chí, đối với các loại sốt hay gia vị để ướp thực phẩm đã được làm sẵn, dù biết rõ nguồn gốc, thành phần cũng không lạm dụng. Dùng các loại sốt ướp thịt không chỉ tăng độ mặn, còn làm tăng nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe bởi quá trình đốt cháy. Ướp nhiều sốt, gia vị điều đáng lo ngại nhất sẽ là gia tăng lượng muối ngấm vào thực phẩm, từ đó nạp vào cơ thể và thừa muối được chứng minh không tốt và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh.
Ngoài ra, với những món nướng thì còn có thể gây nên tình trạng cháy thực phẩm, làm tăng nguy cơ ung thư. Còn đối với các món hầm, kho việc ướp nhiều các loại sốt cũng làm mất đi mùi vị thực phẩm, làm chất lượng món ăn bị giảm”, PGS Côn khuyến cáo.
Để hạn chế tối đa việc dùng phụ gia thực phẩm không nguồn gốc, xuất xứ trong chế biến thực phẩm, các chuyên gia kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xử phạt nặng những cá nhân, tổ chức sản xuất, buôn bán các loại phụ gia không rõ nguồn gốc, không được phép sử dụng trong sản phẩm.
Về phía người tiêu dùng, chỉ nên sử dụng các loại sốt ướp gia vị, các loại phụ gia hoặc những loại thực phẩm chế biến sẵn khi có màu sắc tự nhiên, trên bao bì có nhãn hiệu ghi xuất xứ rõ ràng hoặc ghi rõ thành phần các chất phụ gia (hay phẩm màu) được phép sử dụng.
Nếu cần tạo màu cho thực phẩm, nên chọn màu tự nhiên từ lá dứa, lá cẩm, quả gấc, cà phê…, hoặc phẩm màu thực phẩm. Tuyệt đối, không sử dụng hàn the, đường hóa học, hay các loại phẩm màu công nghiệm để chế biến thức ăn.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/tac-hai-khong-nho-khi-dung-nhung-goi-gia-vi-sot-uop-tam-uop-khong-ro-nguon-goc-d191294.html