Việt Nam hy vọng sẽ lắp đặt điện mặt trời trên 100.000 mái nhà trước năm 2025 nhằm giúp giảm tải nguồn cung điện đang ngày càng thiếu hụt và để bảo vệ môi trường.
Tại hội thảo khởi động “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam”ngày 25/7, ông Phương Hoàng Kim, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương nói: “Chúng tôi hi vọng sẽ có 100 nghìn hệ thống điện mặt trời sẽ được lắp đặt và vận hành vào cuối năm 2025”.
Theo ông Kim, tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam còn rất lớn, khoảng 13.300 MW một năm, trong đó riêng TP.HCM có công suất ước tính khoảng 6.000 MW.
Ông cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 2023/QĐ-BCT ngày 5/7/2019 về Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam nhằm khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này.
Bộ Công Thương khởi động chương trình điện áp mái với hi vọng có thêm 100.000 hộ gia đình
“Thời gian qua đã có sự bùng nổ về số lượng các dự án điện mặt trời quy mô lớn, tuy nhiên số lượng các dự án điện mặt trời áp mái còn khá hạn chế, chưa phản ánh được tiềm năng của loại hình điện sạch này”, ông nói.
Ông Kim cho biết, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang nghiên cứu cơ chế nhằm hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình khoảng từ 3 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng nếu lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Chương trình này sẽ được triển khai trên toàn quốc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh của EVN, cho biết thêm, giá thành lắp điện mặt trời đang rẻ đi rất nhanh và hiện nay chỉ còn khoảng 20 triệu đồng cho một gia đình.
Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, ông Micheal Greene, nhận xét, chương trình thúc đẩy điện mặt trời áp mái đặt ra mục tiêu rất tham vọng nhưng khả thi do Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và một thị trường thiết bị điện mặt trời đang phát triển. Không như các nhà máy điện mặt trời nối lưới quy mô lớn đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng lưới điện, các hệ thống điện mặt trời áp mái có thể được phát triển rộng rãi mà không đòi hỏi nâng cấp lưới điện phân phối, do công nghệ này đặc biệt hiệu quả trong việc đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh tại chỗ.
Đại diện của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, một trong những nhà tài trợ chính của chương trình, ông Sebastian Paust, Bí thư thứ nhất, Trưởng phòng Hợp tác Phát triển chia sẻ: 70% điện mặt trời của Đức hiện nay đến từ hơn 1,5 triệu hệ thống điện mặt trời mái nhà.
“Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm phát triển thành công thị trường này, và sẵn sàng chia sẻ bài học kinh nghiệm cũng như hỗ trợ Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam”, ông cho biết.
Ông Koen Duchateau, Trưởng bộ phận Hợp tác Phát triển của EU, phát biểu: “Điện mặt trời áp mái mang đến cơ hội cho người dân thường, để từ người tiêu dùng họ trở thành nhà sản xuất điện và đóng góp trực tiếp vào việc giảm tác động đến hệ sinh thái. Tại một số nước châu Âu, người dân có thể liên kết với nhau thành lập tổ chức về điện để cùng đầu tư và vận hành các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, như ldự án điện mặt trời lớn lắp đặt tại trường học hay cột gió cỡ lớn”.
Trước đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt Chương trình Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025. Chương trình hướng đến mục tiêu hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển năng lượng tái tạo thông qua giải pháp về phát triển thị trường công nghệ điện mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam.
Việt Nam cũng đặt mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng tái tạo ở mức 6,5% tổng cơ cấu nguồn vào năm 2020 và 10,7% vào năm 2030.
Theo Bộ Công Thương, khả năng xảy ra thiếu điện trong giai đoạn 2021-2025 là hiện hữu. Trong 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì chỉ 15 dự án đạt tiến độ, còn 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Theo Vietnamnet.vn (25/7/2019)