Chế biến thủy sản là ngành không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng cho tiêu dùng trong nước, mà còn góp phần không nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Song đây cũng là ngành gây ra không ít các vấn đề về môi trường nếu không được áp dụng các biện pháp về sản xuất sạch hơn (SXSH).
Thực tế cho thấy, các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh thường có lượng chất thải lớn hơn so với các cơ sở chế biến hàng khô, nước mắm, đồ hộp rất nhiều lần…
Nước thải từ các nhà máy chế biến thuỷ sản luôn có các chỉ số ô nhiễm cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn nước thải công nghiệp loại B dùng cho nuôi trồng thuỷ hải sản (TCVN 5945-1995) như BOD vượt từ 10 – 30 lần, COD từ 9 -19 lần…
Trong các nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh còn có một lượng nhỏ Chlorine dùng để làm vệ sinh nhà xưởng khi sử dụng sẽ sinh ra Cl2 phát tán vào không khí có thể gây hại về đường hô hấp cho người lao động…
Chế biến thủy sản là ngành không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng cho tiêu dùng trong nước, mà còn góp phần không nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
SXSH có thể giúp giải quyết các vấn đề của ngành chế biến thủy sản?
Đặc thù của ngành chế biến thủy sản là sử dụng nhiều nước, điện và đá, nên các cơ hội SXSH thường được đề xuất trong ngành chủ yếu tập trung vào mục đích tiết kiệm nước, đồng thời giảm tải lượng ô nhiễm trong nước thải; giảm tiêu thụ điện và tiêu thụ đá. Theo đó, các nhóm cơ hội SXSH có thể áp dụng trong ngành chế biến thủy sản bao gồm:
Các cơ hội quản lý nội vi
– Khóa chặt các van nước khi không sử dụng, kiểm tra đường ống để tránh hiện tượng rò rỉ, tiến hành khắc phục ngay khi có tình trạng rò rỉ;
– Lắp đặt các van điều chỉnh tự động ngắt khi không sử dụng nước;
– Lắp đặt lưới chắn tại các hố ga để ngăn chất thải rắn đi vào hệ thống xử lý nước thải hoặc có thể gây nghẹt đường ống thoát nước;
– Hướng dẫn thao tác thu gom chất thải rắn trước khi vệ sinh thiết bị, nền xưởng nhằm giảm tiêu hao nước;
– Đào tạo, nâng cao ý thức tiết kiệm nguyên vật liệu (nước, điện, đá…) cho công nhân.
Các cơ hội kiểm soát tốt quá trình
– Tối ưu hóa quá trình sản xuất nước đá;
– Tối ưu hóa quá trình đốt của lò hơi: thông qua việc đo đạc dòng khí thải từ ống khói nồi hơi để xác định mức độ tổn thất nhiệt tại nồi hơi;
– Thường xuyên kiểm tra bảo trì, bảo dưỡng và thay mới các van bị hư hỏng, rò rỉ;
– Cách nhiệt thiết bị luộc, hấp nhằm giảm thất thoát nhiệt;
– Bảo ôn tốt các đường ống nhiệt nóng, lạnh, thiết kế chiều dài, các hệ thống phân phối hơi hợp lý;
– Tối ưu hóa điều kiện làm việc (nhiệt độ, thời gian, hệ thống kiểm soát,…) của thiết bị nấu, thanh trùng… đối với các sản phẩm đồ hộp;
– Tối ưu hóa kích thước kho, chế độ bảo quản nguyên liệu (thời gian, nhiệt độ, khối lượng, chế độ xả tuyết, tỉ lệ nước đá/nguyên liệu…);
– Sử dụng hợp lý Chlorine để tẩy trùng.
Áp dụng SXSH vào ngành chế biến thủy sản sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm đáng kể chi phí.
Các cơ hội thay đổi nguyên vật liệu
– Thay đổi đá to bằng đá vảy, đá tuyết (hiệu quả ướp lạnh sẽ cao hơn mà lại tốn ít đá hơn);
– Tuyển chọn nguyên liệu có kích cỡ phù hợp với sản phẩm đang sản xuất;
– Sử dụng nồng độ chất khử trùng Clo vừa đủ;
– Thay đổi hóa chất tẩy rửa thiết bị hiệu quả, giảm tiêu thụ nước;
– Thay tác nhân lạnh CFC bằng các tác nhân lạnh không chứa Cl và F.
Các cơ hội cải tiến thiết bị, máy móc
– Thay các van nước có kích cỡ phù hợp;
– Sử dụng các thùng chứa nguyên liệu cách nhiệt để giảm lượng đá sử dụng;
– Sử dụng vòi phun nước có áp lực cao và van khóa tự động;
– Bọc cách nhiệt tốt và thay thế vật liệu cách nhiệt amiang bằng polyurethane;
– Kho lạnh nên thiết kế nhiều buồng và có hành lang lạnh (phòng đệm);
– Thay hệ thống chiếu sáng bằng đèn compact (tuổi thọ dài hơn, giảm tiêu tốn điện năng);
– Lắp đặt van thoát hơi cho hệ thống luộc, hấp sản phẩm kết hợp điều khiển tự động hoặc thủ công có thể giảm thất thoát hơi nước;
– Thiết kế, cải tạo lại khay/mâm cấp đông phù hợp với kích thước của tủ cấp đông đảm bảo thời gian cấp đông đều cho các mẻ;
– Thay máy nén mới phù hợp với thiết bị làm lạnh nước để giảm tiêu hao điện.
Các cơ hội cải tiến sản phẩm
– Phân loại sản phẩm có cùng kích cỡ;
– Sản xuất các sản phẩm thích hợp theo kích cỡ của nguyên liệu (cá nhỏ sản xuất bột cá, cá vừa đóng hộp, cá lớn fillet sao cho giảm đến mức tối thiểu phế liệu).
Các cơ hội thu hồi và tái chế, tái sử dụng
– Tái sử dụng nước làm mát sản phẩm sau luộc và hấp, nước giải nhiệt…(theo nguyên tắc từ sạch đến dơ);
– Thu hồi triệt để lượng nước ngưng từ nhánh cấp hơi để tuần hoàn lại cho nước cấp vào nồi hơi;
– Tận dụng nhiệt thải ra từ các hệ thống;
– Tái sử dụng nước mạ băng, rả khuôn;
– Thu gom lượng máu sau công đoạn giết mổ để chế biến thức ăn gia súc
– Tận dụng triệt để các chất thải rắn có thể để sản xuất phụ phẩm, như: Vỏ tôm sản xuất chitin, chitosan; Xương, nội tạng cá, bạch tuộc, mực chế biến thức ăn gia súc; Thu gom mỡ cá chế biến để bán…
SXSH không chỉ giúp doanh nghiệp chế biến thủy sản tiết giảm đáng kể chi phí mà còn đa dạng hóa sản phẩm…
Các cơ hội thay đổi công nghệ
– Thay cấp đông sản phẩm trong khay ở thiết bị cấp đông gió bằng thiết bị cấp đông tiếp xúc;
– Lột vỏ, bỏ đầu, sơ chế bạch tuộc, mực, tôm không dùng nước (sơ chế khô) để giảm lượng nước sử dụng đồng thời giảm ô nhiễm nồng độ ô nhiễm trong nước thải;
– Làm lạnh bằng phương pháp ngược dòng đối với sản phẩm sau khi luộc;
– Kết hợp qui trình lột da và đánh vảy;
– Làm vệ sinh khô trước khi cọ rửa bằng nước;
– Thấm ướt sàn và thiết bị trước khi cọ rửa để chất bẩn dễ bong ra và thu gom sạch chất thải rắn trước khi cọ lần cuối.
Như vậy, SXSH không chỉ giúp doanh nghiệp chế biến thủy sản tiết giảm đáng kể chi phí mà còn đa dạng hóa sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường… điều mà tất cả các doanh nghiệp đều hết sức quan tâm và luôn cố gắng tìm ra cách giải quyết tối ưu nhất.
Theo vncpc.org