Thuốc lá điện tử không chỉ ảnh hưởng đến thần kinh não bộ mà còn có thể gây ra các tác động tiêu cực đến phổi, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh kiêm Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, hiện nay thuốc lá điện tử được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị, chủ yếu nhằm vào giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở những người trẻ tuổi.


Thuốc lá điện tử với nhiều kiểu dáng mẫu mã đang thu hút lứa tuổi sử dụng ngày càng trẻ. Ảnh minh họa

Về những tác động tiêu cực từ thuốc lá điện tử đến sức khỏe người sử dụng, TS.BS Lê Thị Thu Hà – Trưởng phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần (Bênh viện Bạch Mai) cho biết, thuốc lá điện tử chủ yếu chứa nicotine và một số chất khác. Trong buồng đệm chứa dịch (glycerin, propylene, các chất dẫn), chất tạo hương vị, chất dẫn và trong một số loại có pha ma túy tổng hợp. Thuốc lá điện tử gây tác hại trực tiếp đến người dùng do hít phải hơi. Trong đó nicotine có thể gây phụ thuộc về mặt tâm thần. Glycerine có thể gây viêm phổi. Các chất dẫn khác nhau thì tùy theo từng hãng, nhãn hiệu chủ yếu bao gồm nitrosamine, formaldehyde, acetaldehyde là các chất có khả năng gây ung thư.

Đặc biệt với phổi, các loại hóa chất độc hại trong thuốc lá điện tử khi xâm nhập vào phổi sẽ làm cản trở quá trình lưu thông oxy, tăng viêm, làm rò rỉ mạch máu, nghiêm trọng hơn là gây tích tụ dịch ở phổi. Hút thuốc lá điện tử trong thời gian dài và liên tục có thể gây ra các triệu chứng như ho đờm kéo dài, đau tức ngực, khó thở khi vận động, sốt nhẹ kéo dài, ho ra máu, đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm, sụt cân. Những dấu hiệu này rất có thể là biểu hiện của bệnh viêm phổi, suy hô hấp.

Thực cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp cho thấy sự nguy hiểm của thuốc lá điện tử đối với phổi. Mới đây nhất là anh Jackson Allard (22 tuổi, người Mỹ) cảm thấy đau bụng nên đã đi khám. Tuy nhiên, sau thăm khám, bác sĩ yêu cầu anh nhập viện vì nồng độ oxy xuống quá thấp. Allard được chẩn đoán nhiễm parainfluenza, một loại virus gây nhiễm trùng đường hô hấp, khiến chất lỏng tích tụ trong phổi, đe dọa tính mạng.


Trường hợp nam bệnh nhân tại Mỹ phải ghép phổi do sử dụng thuốc lá điện tử trong thời gian dài. Ảnh: Jaime Foertsch

Trong kết quả chụp X-quang, bác sĩ thậm chí không thể nhìn thấy trái tim của anh vì phổi trắng xóa. Điều này có nghĩa toàn bộ phổi chứa đầy dịch lỏng. Allard cho biết anh đã hút thuốc lá điện tử từ năm 16, 17 tuổi. Anh chàng phải sử dụng phổi nhân tạo cho đến khi ca cấy ghép phổi diễn ra vào đêm 31/12/2023.

Tại Việt Nam, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh trẻ tuổi, trong đó có cả những học sinh THCS và THPT, không có bệnh mạn tính vào viện vì tình trạng viêm phổi. Đáng chú ý, đa số những trường hợp này đều liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử.

Điển hình là trường hợp bệnh nhân nam 16 tuổi, vào viện vì đau tức ngực, ho khạc đờm và khó thở khi gắng sức. Khai thác tiền sử, người bệnh cho biết có sử dụng thuốc lá điện tử cùng với bạn bè trong thời gian gần đây. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, long đờm, phục hồi chức năng hô hấp.

Theo BSCKII. Bùi Mạnh Cường – Trưởng khoa Nội hô hấp (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ), “Tình trạng của người bệnh diễn biến khá phức tạp. Mặc dù người bệnh còn rất trẻ, không có bất kỳ bệnh lý nền nào nhưng tổn thương ở phổi lại rất nặng nề, không khác gì ở người cao tuổi. Chúng tôi đã phải áp dụng những biện pháp điều trị nhằm bảo tồn tối đa chức năng phổi của người bệnh”.

Trước những tác hại của thuốc lá điện tử đối với người sử dụng, các chuyên gia y tế khuyến cáo người trẻ cần nâng cao nhận thức về tác động tiêu cực của loại hình hút thuốc này. Đồng thời, các cơ quan chức năng và tổ chức y tế cần tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các biện pháp quản lý, giáo dục nhằm kiểm soát tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân.

Hiện nay, đã có ít nhất hơn 40 quốc gia đã cấm thuốc lá điện tử, và 20 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng. Trong đó, trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm cả thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng bao gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan. Việc cấm các sản phẩm thuốc lá mới gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng được coi như là một biện pháp ngăn ngừa giúp bảo vệ sức khỏe của người dân trước những tác hại đã biết của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và ngăn chặn ngăn sự gia tăng trong giới trẻ.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/su-dung-thuoc-la-dien-tu-co-the-anh-huong-truc-tiep-den-phoi-d218338.html