Thực phẩm lên men được khá nhiều người dùng ưa thích, tuy nhiên nếu không biết cách sử dụng thực phẩm này sẽ để lại nhiều tác hại.
Các chuyên gia dinh dưỡng đã chứng minh rằng, thực phẩm lên men có tác dụng kích thích tiêu hoá, bổ sung các vi sinh vật có lợi cho hệ thống tiêu hoá của con người như lactobacilli, acidophilus và plantarum. Các vi sinh này sẽ tạo ra enzym chuyển hoá đường và tinh bột trong rau dưa thành axit lactic tạo vị chua cũng như tạo các enzym phân huỷ một phần protein trong thực phẩm, giúp cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn.
Các chuyên gia dinh dưỡng đã gợi ý rằng thực phẩm lên men có thể trở thành một lựa chọn lành mạnh cho những người thừa cân. Chúng có thể mang lại lợi ích cho bạn theo một số cách bao gồm cả việc giảm sự thèm ăn. Những loại thực phẩm này dung nạp chất xơ giúp bạn no trong nhiều giờ, đồng thời không chứa cholesterol và đường nên bạn có thể thoải mái thưởng thức mà không lo tăng cân.
Thực phẩm lên men không tốt cho sức khỏe, tránh ăn nhiều. Ảnh minh họa
Dù có lợi cho sức khỏe con người nhưng không phải thực phẩm lên men không có hại cho sức khỏe người dùng. Thực phẩm lên men có hàm lượng muối cao nên những người bị cao huyết áp, bị bệnh tim mạch, bệnh thận hoặc những người phải ăn kiêng muối… cần hạn chế sử dụng.
Đối với các thực phẩm lên men đã quá chua, nổi váng đen, trắng hoặc có hiện tượng nhầy nhớt thì tuyệt đối không nên ăn vì đây là giai đoạn bắt đầu xuất hiện nấm mốc. Quá trình lên men thực phẩm không đúng cách có thể không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Các vi khuẩn gây thối phát triển mạnh, không tạo nên môi trường đủ tính axit để ức chế vi khuẩn và ký sinh trùng, không phân huỷ hết các độc tố.
Theo kết quả nghiên cứu, trong rau nguyên liệu, hàm lượng nitrit rất nhỏ, nhưng khi rau được muối chua thì hàm lượng nitrit sẽ tăng cao trong một vài ngày đầu do vi sinh vật chuyển hoá nitrat trong rau thành nitrit. Khi đưa sản phẩm dưa, cà muối vào cơ thể, acid trong dạ dày sẽ tạo điều kiện cho nitrit tác động tới các amin từ thực phẩm khác như cá, thịt… và tạo thành hợp chất Nitrosamine. Hợp chất này có khả năng gây ung thư. Để hạn chế quá trình hình thành Nitrosamine trong cơ thể, người dùng nên tránh ăn dưa, cà muối khi chúng còn cay hay ăn dưa đã bị khú.
Đặc biệt, theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm lên men không tốt cho người đang điều trị ung thư đường tiêu hóa. Những thực phẩm lên men như dưa, cà muối, thực phẩm cay nóng như ớt, tiêu, sa tế hay bia rượu, thuốc lá sẽ gây tác động lên vết thương hở. Do đó, người bệnh sau phẫu thuật nên tránh các loại thức ăn gây ảnh hưởng đến vết mổ.
Đồng thời, người bệnh cần hạn chế thức ăn chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, đồ nướng bởi thực phẩm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ung thư. Bên cạnh chú ý chế độ ăn uống, người bệnh cần chăm sóc vết mổ và tuân thủ chỉ dẫn điều trị của bác sĩ để giúp cơ thể hồi phục nhanh, tăng tỷ lệ điều trị thành công trong chữa trị ung thư đường tiêu hóa. Để hạn chế tác dụng có hại của thực phẩm lên men nên tự làm lấy cho gia đình dùng là tốt nhất, vì với cách làm sạch sẽ và nguồn nguyên liệu được lựa chọn tốt nhất sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho cả gia đình.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/loi-bat-cap-hai-thuc-pham-len-men-d189820.html